Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và thủ tục kết hôn. Nói cách khác, sự kiện kết hôn là cơ sở pháp lý để ghi nhận rằng hai bên nam nữ đã phát sinh quyền và nghĩa vụ vợ chồng.
Theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, kết hôn được xem là hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
Đủ tuổi kết hôn
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là đủ tuổi đăng kí kết hôn.
Trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đây là độ tuổi nam nữ đạt được sự phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý, đủ trưởng thành để xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc lâu dài cũng như đảm bảo về sức khoẻ sinh sản. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, người có năng lực hành vi dân sự phải là người đủ 18 tuổi. Do đó, điều kiện về độ tuổi kết hôn trong pháp luật hôn nhân và gia đình cũng thể hiện sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản luật khác trong hệ thống pháp luật.
Cách tính tuổi kết hôn: Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuổi kết hôn phải tính là “từ đủ 20 tuổi trở lên” đối với nam và “từ đủ 18 tuổi trở lên” đối với nữ. Thuật ngữ “từ đủ” có thể hiểu như sau: Nếu anh A sinh vào ngày 15/03/2000 thì kể từ ngày 15/03/2020 trở đi, anh A đã đủ tuổi để kết hôn.
Pháp luật hiện hành chỉ quy định độ tuổi tối thiểu mà không quy định về độ tuổi tối đa được phép kết hôn.
Tự nguyện kết hôn
Về mặt ý chí, việc kết hôn phải do hai bên nam nữ tự nguyện quyết định.
Quyền kết hôn là quyền gắn liền với nhân thân, do đó mà lựa chọn kết hôn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của mỗi cá nhân. Bất kì sự tác động nào từ bên kia hay bên thứ ba khiến cho nam, nữ phải quyết định kết hôn trái với nguyện vọng của mình đều không được pháp luật công nhận.
Để đảm bảo việc kết hôn hoàn toàn tự nguyện, pháp luật không cho phép uỷ quyền hay cử người đại diện trong việc đăng kí kết hôn. Những người muốn đăng kí kết hôn phải cùng nhau có mặt tại cơ quan đăng kí kết hôn để nộp tờ khai và giấy tờ cần thiết khác.
Không bị mất năng lực hành vi dân sự
Người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ không được quyền kết hôn.
Năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân bằng chính hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Theo Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015, người bị mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Như vậy, nếu tại thời điểm kết hôn mà một người có quyết định của tòa án tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự thì không đủ điều kiện kết hôn. Quy định này đảm bảo tính thống nhất với nguyên tắc tự nguyện kết hôn, bởi một người mất năng lực hành vi dân sự thì đương nhiên không thể bày tỏ ý chí một cách chính xác.
Kết hôn phải giữa hai người khác giới tính
Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Do đó, nếu muốn làm thủ tục đăng kí kết hôn, một bên phải là giới tính nam và bên còn lại phải là giới tính nữ. Mặc dù không công nhận tình trạng hôn nhân nhưng pháp luật không cấm việc những người cùng giới tính cùng nhau chung sống.
Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp bị pháp luật cấm kết hôn
Theo Điều 5, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các trường hợp bị cấm kết hôn bao gồm:
+ Kết hôn giả tạo: là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
+ Tảo hôn: là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn
+ Cưỡng ép kết hôn: là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.
+ Lừa dối kết hôn: là hành vi cố ý của một bên hoặc bên thứ ba, bằng thủ đoạn gian dối, làm cho bên kia hiểu sai lệch vấn đề mà dẫn đến quyết định kết hôn.
+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn với người đang có chồng, có vợ.
+ Kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Có thể thấy, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cùng các văn bản pháp luật liên quan đã quy định khá cụ thể, rõ ràng về điều kiện để cá nhân được quyền kết hôn. Những điều kiện này có sự thay đổi theo từng thời kỳ và khác nhau giữa pháp luật các nước do phụ thuộc chặt chẽ vào nền văn hoá, phong tục tập quán cũng như bối cảnh thời đại.
Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.