Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Khái niệm 

Điều 126 BLHS 2015 quy định:

“1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.”

Như vậy giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được hiểu là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người đang có hành vi xâm phạm lợi ích của nhà nước, của tổ chức, lợi ích chính đáng của mình hay của người khác vượt quá mức cần thiết.

Trong đó, dấu hiệu quan trọng của tội phạm này là “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Căn cứ Điều 22 BLHS 2015 quy định về hành vi phòng vệ chính đáng như sau:

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Cấu thành tội phạm

– Về khách thể:

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có khách thể là quyền sống, quyền được Nhà nước bảo hộ về tính mạng của con người.

– Về mặt khách quan:

Khi xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tụ đủ ba  yếu tố:

Về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích cá nhân người phòng vệ. Hành vi xâm phạm của người này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tùy thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân.

Hai là về phía người có hành vi phòng vệ: nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra cho cá nhân người phòng vệ thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng cho người có hành vi xâm phạm (nạn nhân gây tổn hại về sức khỏe cho người phòng vệ và người phòng vệ cũng gây tổn hại cho nạn nhân).

Ba là hành vi chống trả lại của người có hành vi phòng vệ là thật sự cần thiết. Sự cần thiết ở đây thể hiện tính không thể không chống trả lại được, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lơn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.

Xét về sự cần thiết thì hành vi phòng vệ chỉ được coi là chính đáng  khi hành vi đó là hành vi chống trả “cần thiết” và ngược lại, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khi hành vi chống trả rõ ràng là quá mức cần thiết.

Để xác định hành vi phòng vệ là “cần thiết” hay “không cần thiết” thì cần phải xem trong những điều kiện, thời gian, địa điểm và những hoàn cảnh cụ thể xảy ra sự việc, người có hành vi phòng vệ trên cơ sở tự đánh giá về tính chất quan hệ xã hội bị xâm hại, tính chất và mức độ nguy hiểm của công cụ phương tiện phạm tội, nhân thân người có hành vi xâm hại.

– Về mặt chủ thể:

Chủ thể của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

– Về mặt chủ quan:

Chủ thể của tội phạm thực hiện hành vi giết người do lỗi vô ý, có thể là lỗi vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội có động cơ phòng vệ chính đáng hoặc bắt giữ người phạm tội, đây hoàn toàn là động cơ tốt, bảo vệ lợi ích của bản thân, của người khác hoặc của Nhà nước, cơ quan, tổ chức. Người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra những vẫn tự tin rằng mình có thể khống chế được tình hình hoặc do lỗi cẩu thả, chủ quan cho rằng hậu quả chết người sẽ không xảy ra, hay cũng có trường hợp người phạm tội dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc để hậu quả xảy ra.

Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023