Hỏi:
Thưa Luật sư, tôi có yêu cầu cần tư vấn như sau: Bố mẹ tôi mất để lại di sản là nhà đất, không có di chúc. Lúc bố mẹ tôi còn sống, A là con út nghiện ma tuý, thường xuyên lấy tài sản trong nhà đi bán lấy tiền mua thuốc và tiêu xài. Khi bố mẹ tôi ngăn cản thì đánh đập gây thương tích khiến bố mẹ tôi nhập viện nhiều lần. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần can thiệp nhưng A vẫn không thay đổi. Bố mẹ tôi quá thất vọng đã tuyên bố từ không nhận A là con trai. Từ đó A bỏ nhà đi biệt xứ không liên lạc với gia đình.
Khi nghe tin bố mẹ tôi mất, A quay về đòi chia một phần đất để xây nhà sinh sống. Hiện gia đình tôi đang ở trên nhà đất nêu trên. Luật sư cho chúng tôi biết yêu cầu của A có căn cứ hay không?
Đáp:
Cảm ơn Quý Anh/ chị đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hợp danh H3T, đối với vấn đề này, Luật sư tư vấn như sau:
Khoản 1, Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định những trường hợp nếu người thừa kế phạm phải sẽ không được quyền hưởng thừa kế. Cụ thể như sau:
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Như vậy, trong trường hợp này, theo như lời Anh/ chị trình bày những hành vi của A đã có dấu hiệu của hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Tuy nhiên Anh/ chị không nêu rõ, hành vi này của A đã bị xử lý tại cơ quan thẩm quyền nào? Đã bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản hay chưa? Vì vậy, để xác định A thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế di sản hay không, Anh/ chị có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh hành vi nêu trên tại các cơ quan thẩm quyền nếu A khởi kiện đòi quyền thừa kế tại Tòa án nhân dân.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2 Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015, những người quy định tại Khoản 1 như trên vẫn được hưởng di sản nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc. Nếu bố mẹ Anh/ chị có bất kỳ văn bản nào để lại thể hiện ý chí của mình theo nội dung trên, A vẫn có quyền nhận di sản theo quy định pháp luật.