Thừa kế thế vị

Hỏi:

Thưa Luật sư, tôi có sự việc cần tư vấn như sau: Ông bà nội tôi sinh được 3 người con, bố tôi là con trai út. Bố mẹ tôi sinh được 03 con gái, tôi là con gái lớn đã lập gia đình. Bố tôi gặp tai nạn và chết vào năm 2016. Bà nội đã mất từ lâu.

Tháng 04/2021, ông nội tôi ốm chết đột ngột, để lại di sản là thửa đất và nhà ở có diện tích 489 m2  tại thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, hiện mẹ và các em gái tôi đang sinh sống tại nhà đất nêu trên. Sinh thời ông nội tôi không viết di chúc để lại tài sản mà chỉ nhiều lần nói trước mặt con cháu là để lại toàn bộ đất đai cho cháu trai là con bác cả.

Hiện gia đình bác cả yêu cầu tất cả mọi thành viên trong gia đình ký làm thủ tục để bác đứng tên nhà đất. Mẹ và các em tôi có nguy cơ không còn nhà ở. Mong Luật sư cho biết, việc bác tôi yêu cầu như vậy có đúng hay không? Mẹ và chúng tôi có được hưởng quyền thừa kế trong phần di sản của ông bà nội hay không?

Đáp:

Cảm ơn Quý Anh/ chị đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hợp danh H3T, đối với vấn đề này, Luật sư tư vấn như sau:

Do bạn không cung cấp thông tin cụ thể về nguồn gốc đất và nhà ở nêu trên, thời điểm bà nội bạn mất cũng như việc nhà đất nêu trên đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hay chưa…, nên những thông tin dưới đây là những quy định cơ bản bạn có thể tham khảo.

Thứ nhất, do người có di sản không để lại di chúc nên phần di sản đó sẽ được chia thừa kế theo pháp luật căn cứ vào Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 về những trường hợp thừa kế theo pháp luật.

“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1.Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Thứ hai, khi chia thừa kế theo pháp luật, bố của bạn – con ruột của ông – thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2.Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3.Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy, việc thừa kế trong trường hợp này không phân biệt con gái hay con trai, con trưởng hay con thứ, mỗi người con đều có địa vị và quyền lợi nhận di sản thừa kế tương đương nhau. Tuy nhiên, bố bạn chết trước thời điểm người để lại di sản chết nên trong trường hợp này cần áp dụng Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế thế vị như sau:

“Điều 652. Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Thừa kế thế vị được hiểu là thừa kế bằng việc thay thế vị trí để hưởng thừa kế. Cụ thể hơn, thừa kế thế vị là việc con đẻ  thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của ông nội, bà nội hoặc ông ngoại, bà ngoại đối với phần di sản mà cha được hưởng nếu còn sống nhưng cha đã chết trước ông nội, bà nội hoặc mẹ đã chết trước ông ngoại, bà ngoại.

Từ những quy định trên có thể kết luận, mẹ bạn là con dâu, không được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản nêu trên. Tuy nhiên, bạn và các em gái thuộc trường hợp thừa kế thế vị được thay thế vị trí của bố mình để hưởng di sản do ông nội để lại.

Ngoài phần tài sản chia thừa kế nêu trên, trong quá trình chung sống, nếu bố mẹ bạn và các thành viên khác trong gia đình có công sức đóng góp trong việc tôn tạo, quản lý, làm tăng giá trị đất cùng các tài sản trên đất, hoặc trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ lúc về già, ốm đau; đứng ra lo liệu việc mai táng cúng giỗ của ông bà … thì có thể được xem xét để nhận được một phần tài sản tương đương với “công sức” mình bỏ ra trong suốt quá trình sinh sống tại nhà đất là di sản thừa kế. Tuy nhiên, phần giá trị này cần phải được đánh giá hợp lý theo quy định của Bộ luật Dân sự.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023