Đồng phạm

Đồng phạm là gì?

Tội phạm có thể chỉ do một người thực hiện nhưng cũng có thể do nhiều người cùng gây ra. Khi có nhiều người cố ý cùng thực hiện tội phạm thì trường hợp đó được gọi là đồng phạm. Trong Bộ luật hình sự, đây được xem là hình thức phạm tội đặc biệt.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đồng phạm đòi hỏi các dấu hiệu sau:

 Dấu hiệu về mặt khách quan

Về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi hai dấu hiệu:

–  Phải có ít nhất hai người và những người này phải có đủ điều kiện của chủ thể tội phạm, bao gồm năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS. Dấu hiệu chủ thể đặc biệt không đòi hỏi phải có ở tất cả những người đồng phạm mà chỉ đòi hỏi ở người thực hành.

– Những người này phải cùng cố ý thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Cùng thực hiện tội phạm có nghĩa là cùng phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi sau: hành vi thực hiện tội phạm; hành vi tổ chức thực hiện tội phạm; hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm; hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm. Nếu không có một trong những hành vi này thì không thể coi là cùng thực hiện và do vậy cũng không thể xem là người đồng phạm.

Bằng những hành vi cụ thể này, những người tham gia vào vụ đồng phạm đều có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Những hành vi đó được thực hiện trong mối liên kết thống nhất với nhau. Hành vi của mỗi người là điều kiện hỗ trợ cho sự hoạt động chung. Hậu quả của tội phạm là kết quả chung do hoạt động của tất cả những người tham gia vào việc thực hiện tội phạm đưa lại. Giữa hành vi của mỗi người và hậu  quả của tội phạm đều có quan hệ nhân quả. Hành vi của người thực hành là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hậu quả còn hành vi của những người còn lại thông qua hành vi của người thực hành mà gây ra hậu quả.

Dấu hiệu về mặt chủ quan

Về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý. Ngoài ra, đối với những tội có dấu hiệu mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện phải có cùng mục đích phạm tội đó.

– Dấu hiệu lỗi:

+ Về lý trí: Mỗi người đồng phạm đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình. Mặt khác, mỗi người đồng phạm còn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện.

+ Về ý chí: những người đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hoặc cùng ý thức để mặc hậu quả phát sinh.

– Dấu hiệu mục đích: Ngoài hai dấu hiệu cùng thực hiện và cùng cố ý, đồng phạm còn đòi hỏi dấu hiệu cùng mục đích trong trường hợp đồng phạm những tội có mục đích là dấu hiệu bắt buộc. Được coi là cùng mục đích khi những người tham gia đều có chung mục đích được phản ánh trong cấu thành tội phạm hoặc biết rõ và tiếp nhận mục đích đó.

Các loại đồng phạm

– Người thực hành: là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Bao gồm: tự mình thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm hoặc có hành động cố ý tác động đến người khác để người này thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm.

– Người tổ chức: là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người tổ chức có thể thành lập nhóm đồng phạm (thiết lập nhóm đồng phạm, rủ rê lôi kéo người khác tham gia, thiết lập mối liên hệ giữa những người đồng phạm) hoặc điều khiển nhóm đồng phạm (điều khiển hoạt động chung của toàn nhóm, trực tiếp điều khiển vụ phạm tội cụ thể).

+ Người chủ mưu: là người đề ra âm mưu, phương hướng hoạt động của nhóm đồng phạm.

+ Người cầm đầu: là người thành lập nhóm đồng phạm hoặc tham gia việc soạn thảo kế hoạch, phân công, giao trách nhiệm cho đồng bọn cũng như đôn đốc, điều khiển hoạt động của nhóm đồng phạm.

+ Người chỉ huy: là người điều khiển trực tiếp của nhóm đồng phạm vũ trang hoặc bán vũ trang.

– Người xúi giục: là người kích động, dụ dỗ thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người xúi giục có thể nghĩ ra hành vi phạm tội và xúi giục người khác làm hoặc xúi giục người khác thực hiện mạnh mẽ việc họ định làm. Về hình thức, phương pháp: kích động, lôi kéo, cưỡng ép, dụ dỗ, lừa phỉnh… Hành vi xúi giục phải hướng vào đối tượng cụ thể và phải có mục đích rõ ràng. Hành vi xúi giục mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tôn giáo, tín ngưỡng hay sự nhẹ dạ của người chưa thành niên là tình tiết nghiêm trọng, tăng nặng TNHS.

– Người giúp sức: là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Về vật chất: cung cấp công cụ, phương tiện phạm tội hoặc khắc phục khó khăn trở ngại, tạo thuận lợi cho hành vi phạm tội. Về tinh thần: chỉ dẫn, đóng góp ý kiến, cung cấp tình hình thuận lợi.

Đồng phạm bị xử lý như thế nào?

Điều 58 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm như sau:

“Điều 58. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.”

Hậu quả của tội phạm là kết quả hoạt động chung của tất cả những người đồng phạm. Do đó, những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về cùng tội danh, theo cùng điều luật và trong phạm vi những chế tài điều luật ấy quy định.

Tuy nhiên, trong vụ đồng phạm, những người tham gia tuy phạm cùng tội nhưng tính chất, mức độ tham gia khác nhau nên trách nhiệm hình sự phải được xác định theo hành vi và vai trò của từng người.

Như vậy, trong việc xác định trách nhiệm hình sự, mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm mà họ cùng thực hiện, đồng thời chịu trách nhiệm hình sự cá nhân tuỳ theo tính chất và mức độ tham gia của mình.

Mặt khác, Khoản 4 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định: “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”. Hành vi vượt quá của người thực hành là hành vi vượt ra ngoài ý định chung của những người đồng phạm khác và hành vi đó có thể đã cấu thành tội khác hoặc cấu thành tình tiết tăng nặng định khung.

Trong hầu hết các tội phạm, hành vi phạm tội có tổ chức đều được xem là tình tiết tăng nặng. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023