Giải quyết tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn

Sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân, tranh chấp chia tài sản sau ly hôn là một vấn đề phức tạp. Trên thực tế, những tranh chấp này vẫn chưa được Toà án xử lý nhanh chóng và triệt để. Trong những trường hợp đó, người có quyền lợi nên xử lý như thế nào?

Toà án chậm trễ trong việc giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn, xử lý thế nào?

Hỏi:

Tôi và vợ tôi đã yêu cầu Tòa án huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc công nhận thuận tình ly hôn được 3 năm. Vấn đề tài sản chung chúng tôi tách ra giải quyết bằng một vụ án khác vì có vướng mắc vào nợ của ngân hàng. Sau khi trả nợ xong cho Ngân hàng, tôi làm đơn gửi TAND huyện Yên Lạc để yêu cầu TAND chia tài sản sau khi ly hôn.

Từ khi tôi làm đơn gửi TAND tới nay đã là 15 tháng, rất nhiều lần tôi đến gặp TAND yêu cầu được giải quyết vụ việc. Tòa án có yêu cầu tôi về bổ sung các giấy tờ cần thiết cho TAND. Đã 15 tháng trôi qua mà TAND huyện không có một văn bản hay giấy tờ gì gọi chúng tôi lên giải quyết. Vậy tòa án có vi phạm thủ tục tố tụng không?

Đáp:

Cảm ơn Quý Anh/ chị đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hợp danh H3T, đối với vấn đề này, Luật sư tư vấn như sau:

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định cụ thể:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tranh chấp chia tài sản sau ly hôn là tranh chấp thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

1. Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)”.

Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“1. Trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để họ sửa đổi, bổ sung trong thời hạn do Thẩm phán ấn định nhưng không quá 01 tháng; trường hợp đặc biệt, Thẩm phán có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Văn bản thông báo có thể được giao trực tiếp, gửi trực tuyến hoặc gửi cho người khởi kiện qua dịch vụ bưu chính và phải ghi chú vào sổ nhận đơn để theo dõi. Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện”.

Như vậy, theo các quy định trên, sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án có trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã nhận đơn hoặc gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.

Trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung theo quy định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện trong thời hạn do Thẩm phán ấn định nhưng không quá 01 tháng hoặc 1 tháng 15 ngày trong trường hợp đặc biệt.

Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án, nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.

Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo”.

Khoản 1 Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án”.

Khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này….”.

Theo như bạn trình bày, bạn và vợ cũ có tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn. Bạn đã làm đơn gửi TAND để yêu cầu giải quyết. TAND có yêu cầu bạn bổ sung đơn khởi kiện. Tính đến nay đã 15 tháng kể từ ngày bạn nộp đơn, tuy nhiên trong phần bạn trình bày, bạn không cung cấp chi tiết các thông tin cụ thể về việc có trở ngại khách quan nào xảy ra hoặc thực tế Tòa án hiện đang thực hiện đến bước nào đối với vụ án của bạn rồi nên chúng tôi chưa có căn cứ khẳng định tòa án có vi phạm thủ tục tố tụng hay không.

Do vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, bạn có thể tự xem xét, đối chiếu với trường hợp của mình từ đó đưa ra kết luận hoặc kết nối trực tiếp với Luật sư để nhận được câu trả lời chính xác.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023