Thủ tục nhận di sản thừa kế

Hỏi:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) nhà đất hiện gia đình tôi đang sinh sống ghi tên bố tôi. Bố tôi gặp tai nạn giao thông mất đầu năm 2022, không để lại di chúc, gia đình chỉ có tôi là con trai, hiện tôi muốn sang tên Sổ đỏ để làm thủ tục vay ngân hàng thì phải làm như thế nào? Cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Làm ở đâu? Mong Luật sư giải đáp!

Đáp:

Cảm ơn Quý Anh/ chị đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hợp danh H3T, đối với vấn đề này, Luật sư tư vấn như sau:

Do bạn không cung cấp chính xác thông tin trên sổ về việc “ghi tên bố tôi” là như thế nào nên ý kiến tư vấn được thực hiện theo hướng xác định đây là đây là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cá nhân, là tài sản riêng của bố bạn.

Việc quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của riêng bố bạn và đất không phải thuộc trường hợp đất được cấp cho hộ gia đình. Bố bạn mất đi không để lại di chúc vì vậy di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật quy định tại điều 650 BLDS 2015.

Vì bạn không nói rõ bố bạn có bao nhiêu người thừa kế (chỉ có tôi là con trai vậy còn con gái khác không? Ông bà nội còn sống không? Tình trạng hôn nhân của bố bạn…) nên chúng tôi tư vấn cụ thể về thủ tục như sau:

Bước 1. Bạn cần nộp hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thoả thuận hoặc khai nhận di sản thừa kế đến tổ chức hành nghề công chứng. Nếu những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật có yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thì làm thủ tục Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản (Điều 58 Luật Công chứng 2014). Nếu bạn là người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản (Điều 57 Luật Công chứng 2014).

Hồ sơ gồm có:

+ Phiếu yêu cầu công chứng;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Di chúc (nếu có);

+ Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân gồm:  Chứng minh nhân dân, sổ hộ khảu, giấy khai sinh;

+ Giấy chứng tử của người chết.

Bước 2. Tổ chức hành nghề công chứng sẽ xem xét, kiểm tra tính xác thực của các loại giấy tờ trong hồ sơ.

Bước 3. Tổ chức hành nghề công chứng niêm yết tại UBND cấp xã nơi có di sản thừa kế trong thời hạn 15 ngày.

Bước 4. Sau thời gian niêm yết nếu không có khiếu nại, tố cáo, tổ chức hành nghề công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế và trả kết quả công chứng cho người có yêu cầu.

Bước 5. Sau khi hoàn tất các thủ tục tại tổ chức hành nghề công chứng, người yêu cầu phải nộp hồ sơ đến UBND cấp xã nơi có đất hoặc Văn phòng đăng ký đất đai.

Hồ sơ gồm:

+ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản;

Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;

+ Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp;

Khi nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính này, người sử dụng đất đồng thời nộp kèm hồ sơ của các thủ tục kê khai thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan theo cơ chế một cửa liên thông thủ tục hành chính (mỗi loại 02 bản).

+ Giấy chứng tử của người chết;

+ Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân gồm:  Chứng minh nhân dân, sổ hộ khảu, giấy khai sinh;

+ Tờ khai thuế thu nhập cá nhân.

Bước 6. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.

Trường hợp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 7. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:

+ Gửi thông tin địa chính đến Chi cục Thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;

+ Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp;

Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận thì lập hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

+ Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;

+ Trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Bước 8. Người được cấp Giấy chứng nhận nộp lại bản chính giấy tờ theo quy định trước khi nhận Giấy chứng nhận.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023