Quy định của pháp luật về việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng thì người dân có quyền cấp đổi để có sổ đỏ mới.

Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước không trực tiếp chiếm hữu, sử dụng đất mà giao quyền chiếm hữu và sử dụng đất cho người dân. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để chứng minh quyền sử dụng hợp pháp với đất, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất của người sử dụng đất. Tuy nhiên việc sử dụng lưu trữ loại giấy tờ này, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bị hư hỏng, nhòe, rách ô bản chính Giấy chứng nhận khiến cho người sử dụng đất gặp nhiều khó khăn khi tham gia các giao dịch dân sự cần đến Giấy chứng nhận. Thế nhưng việc thực hiện thủ tục cấp đổi tưởng chừng đơn giản mà lại rất khó khăn, vướng mắc.

Vì vậy, Công ty Luật Hợp danh H3T cung cấp cho quý vị độc giả các quy định của pháp luật về cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:

Hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận

Những hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị khi yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận được quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính. Cụ thể:

Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;

Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Các giấy tờ khác: CMND, sổ hộ khẩu…

Trình tự thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận

Bước 1. Người sử dụng đất nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận. Hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận được nộp tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bước 2. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện

– Kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận.

– Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Bước 3. Trao Giấy chứng nhận

Thẩm quyền cấp đổi Giấy chứng nhận

Việc xác định thẩm quyền cấp đổi Giấy chứng nhận cần phải xem xét đến việc địa phương nơi có bất động sản đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai hay chưa cụ thể như sau:

Thứ nhất, địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền cấp đổi Giấy chứng nhận.

Thứ hai, địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì việc xác định thẩm quyền cấp đổi Giấy chứng nhận phụ thuộc vào nhóm người sử dụng đất. Cụ thể:

Sở Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền cấp đổi Giấy chứng nhận cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam

Thời hạn cấp đổi Giấy chứng nhận

Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận không quá 07 ngày. Thời gian trên được tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không tính các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử đụng đất, không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.

Lệ phí cấp đổi giấy chứng nhận

– Lệ phí đăng ký biến động

– Phí cấp đổi Giấy

– Lệ phí cấp Giấy

* Đối tượng miễn nộp lệ phí:

Miễn nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ nghèo, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023