Phòng vệ chính đáng là gì?

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Phòng vệ chính đáng là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung  2017): “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”.

Như vậy, phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả cần thiết khi bị người khác xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp. Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật mà còn thể hiện thái độ tích cực chống trả sự xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác.

Phòng vệ chính đáng là tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội, thông qua đó công dân có thể ngăn chặn được những hành vi chính đáng để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình.

Điều kiện của phòng vệ chính đáng

Để xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần xác định các yếu tố sau:

– Cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng

Quyền phòng vệ chính đáng chỉ phát sinh khi có sự tấn công đang hiện hữu, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho xã hội. Hành vi này có thể xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cơ quan, tập thể hoặc của người khác mà không nhất thiết phải xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người phòng vệ.

Hành vi tấn công của con người là cơ sở của quyền phòng vệ chính đáng nhưng chỉ là cơ sở chừng nào còn đang xảy ra hoặc đe doạ sẽ xảy ra ngay tức khắc. Khi hành vi tấn công đã thực sự chấm dứt thì cũng có nghĩa không đòi hỏi phải có hành vi ngăn chặn. Sự phòng vệ lúc này hoàn toàn không đạt được mục đích của phòng vệ chính đáng.

Khi hành vi tấn công chưa xảy ra nhưng đã có những biểu hiện đe doạ sự tấn công sẽ xảy ra ngay tức khắc thì cũng cho phép được quyền phòng vệ. Sự cho phép này là cần thiết khách quan nhằm tạo điều kiện chủ động cho người phòng vệ ngăn chặn sự tấn công được kịp thời và hiệu quả.

– Phạm vi của quyền phòng vệ chính đáng

Hành vi phòng vệ chính đáng chỉ được phép nhằm vào chính người đang có hành vi xâm hại các lợi ích hợp pháp. Sự chống trả có thể tác động trực tiếp vào người tấn công (tính mạng, sức khoẻ, tự do) hoặc chỉ có thể nhằm vào công cụ, phương tiện phạm tội mà người đó đàng sử dụng.

Hành vi phòng vệ không được phép gây thiệt hại cho người thứ 3. Bởi một trong các mục đích của phòng vệ chính đáng là ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi đang gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp. Do đó, người phòng vệ phải ngăn chặn chính nguồn nguy hiểm, chính người đang có hành vi xâm hại. Nếu gây hại cho người khác thì không đạt được mục đích này.

Phòng vệ chính đáng đòi hỏi biện pháp chống trả phải là biện pháp cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể. Để đánh giá sự cần thiết và phù hợp này, cần dựa vào các căn cứ sau: Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại; mức độ thiệt hại bị đe doạ gây ra; tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp, công cụ mà người tấn công sử dụng; sức mạnh và khả năng phòng vệ đặt trong hoàn cảnh cụ thể…

Việc xác định thế nào là “một cách cần thiết” hay “quá mức cần thiết”  trong phòng vệ chính đáng chỉ mang tính tương đối, Bộ luật hình sự 2015 và các văn bản pháp luật liên quan cũng chưa giải thích, hướng dẫn thuật ngữ này một cách rõ ràng. Việc đánh giá được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể.

Hậu quả pháp lý của phòng vệ chính đáng

Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm” vì đây là hành động phù hợp với lợi ích xã hội, giúp duy trì trật tự xã hội, chống lại hành vi xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Nếu cá nhân khi có hành vi tự vệ với mục đích là bảo vệ quyền lợi của một hay một nhóm đối tượng xác định, tương xứng với mức độ nguy hiểm của người đang thực hiện hành vi xâm hại sẽ được xem là phòng vệ chính đáng. Do vậy cá nhân thực hiện đúng chế định phòng vệ chính đáng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tự vệ của mình.

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), “ Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.

Như vậy, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là trường hợp người phòng vệ đã dùng những phương tiện và phương pháp gây thiệt hại quá đáng cho người xâm hại mà tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó.

Người có hành vi phòng vệ trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự do lỗi vượt quá của mình. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự của họ được giảm nhẹ hơn so với các trường hợp bình thường. Mức độ trách nhiệm hình sự được giảm nhẹ nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ vượt quá giới hạn phòng vệ và các tình tiết giảm nhẹ khác.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng được xác định là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, tại Phần các tội phạm, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định các tội phạm cụ thể do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, bao gồm:

– Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126) và;

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136).

Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023