Công ty chậm lương, công nhân tự ý lấy tiền hàng trừ vào tiền lương, có vi phạm pháp luật ?

Hỏi:

Thưa luật sư, tôi có làm việc tại một Công ty kinh doanh sắt thép, có hợp đồng lao động, ở vị trí bán hàng. Gần đây, 02 tháng liên tiếp tôi không nhận được thanh toán tiền lương của Công ty. Tôi đã đề xuất với ban lãnh đạo nhưng không được giải đáp. Do công ty không thanh toán, tôi không có tiền trang trải cuộc sống, trong một lần bán hàng tôi có cầm số tiền 3.000.000 đồng của Công ty để chi tiêu cá nhân, vì tôi nghĩ Công ty vẫn đang nợ tôi tiền lương nên nếu có hỏi tôi trả lời trừ số tiền đó vào lương. Thế nhưng giờ Công ty lại kiện tôi tội chiếm đoạt tài sản. Luật sư cho biết, trong trường hợp này Công ty kiện tôi có đúng không?

Đáp:

Cảm ơn Quý anh/chị đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hợp danh H3T, đối với vấn đề này, Luật sư tư vấn như sau:

Thứ nhất, việc Công ty chậm trả lương cho công nhân viên được Bộ luật Dân sự và Bộ luật Lao động quy định chi tiết cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia hợp đồng lao động. Khi chưa có sự thỏa thuận, chưa có kết quả giải quyết vụ việc, hành vi của bạn tự ý lấy tài sản của Công ty (cụ thể bán hàng và lấy số tiền 3.000.000 đồng) để trừ khoản tiền lương chưa được nhận là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này Công ty có quyền làm đơn tố giác bạn và gửi đến cơ quan chức năng chức năng có thẩm quyền xử lý. Tùy theo dấu hiệu hành vi của bạn mà bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội xâm phạm sở hữu quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thứ hai, theo Điều 9 Bộ luật Lao động năm 2019, nguyên tắc trả lương được quy định như sau:

“ Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.”

Theo căn cứ trên, việc Công ty không thực hiện trả lương cho bạn hai tháng đã vi phạm nguyên tắc trả lương trong Bộ luật Lao động. Với hành vi này, Công ty sẽ bị xử lí vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

Đồng thời, tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 17. Vi phạm quy định về tiền lương

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm……
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;”

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi Công ty thực hiện trả lương không đầy đủ, đúng hạn, bạn nên sử dụng phương pháp thỏa thuận với người sử dụng lao động. Nếu thoả thuận không thành, bạn tiếp tục soạn đơn khiếu nại nộp đến phòng thương binh xã hội hoặc khởi kiện đến tòa án để buộc Công ty trả lương.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi. Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, Kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng thư tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023