Quy định chung về hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản là một trong những loại hợp đồng phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn chưa hiểu hết về những quy định của pháp luật về nội dung của hợp đồng. Bài viết sau đây sẽ tóm tắt những vấn đề chính cần phải quan tâm khi thực hiện tạo lập và ký kết hợp đồng mua bán tài sản.

I. Khái quát chung về hợp đồng mua bán tài sản

1. Khái niệm hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản là một loại giao dịch dân sự, ghi nhận sự thỏa thuận giữa các chủ thể tham gia vào quá tình giao dịch, xác lập các quyền và nghĩa vụ cơ bản. Cụ thể, bên bán sẽ chuyển quyền sở hữu tài sản cho phía bên mua và bên mua sẽ trả một khoản tiền cho bên bán.

Như vậy, hợp đồng mua bán tài sản bao gồm những đặc điểm như sau:

+ Là một giao dịch dân sự nên phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về một giao dịch dân sự điển hình. Ví dụ: Điều kiện về chủ thể, nguyên tắc giao kết hợp đồng, hình thực thiết lập giao dịch dân sự,…

+ Là một hợp đồng song vụ. Bên bán và bên mua đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Trong hợp đồng này, bên bán có quyền yêu cầu bên mua nhận vật và trả tiền mua vật; ngược lại, bên mua có quyền yêu cầu bên bán chuyển giao vật và nhận tiền bán vật.

+ Mục đích của hợp đồng là trao đổi tài sản với giá trị tương đương nhau.

2. Ý nghĩa của hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản thường được giao kết ngay sau khi các bên đã thỏa thuận về tài sản và giá cả. Người mua trả tiền và người bán giao tài sản cho người mua. Tuy nhiên, các bên cũng có thể biến đổi các điều khoản cố định nhằm phù hợp với điều kiện thực tế, chẳng hạn như: Nhận tiền trước rồi giao hàng sau, hoặc giao hàng trước thanh toán sau. Nếu đối tượng của hợp đồng mua bán là một lượng lớn tài sản thì các bên có thể chuyển nhượng nhiều lần theo số lượng và khối lượng nhất định.

 Hợp đồng mua bán hàng hóa là công cụ pháp lý để công dân, tổ chức tạo điều kiện trao đổi hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh hàng ngày. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, quan hệ thương mại phản ánh các quan hệ kinh tế thông qua việc trao đổi vật tư, sản phẩm giữa các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Điều này tạo điều kiện cho sự chung sống và phát triển của các thành phần kinh tế góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân.

II. Nội dung của hợp đồng mua bán tài sản

1. Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản

Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản chính là tài sản. Theo điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Điều 105. Tài sản

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng mua bán phải được phép giao dịch, kinh doanh. Đối với các  tài sản  không được kinh doanh như ma túy, vũ khí và chất nổ, các bên không được phép ký kết và thực hiện các thỏa thuận mua bán hàng hóa đối với các loại tài sản này. Hợp đồng mua bán hàng hoá dựa trên cơ sở đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Những loại tài sản bị pháp luật nghiêm cấm  là những loại tài sản có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của chủ thể và xâm hại đến lợi ích của cộng đồng, quốc gia và con người.

Thứ hai, đối tượng bị hạn chế chuyển nhượng thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đối với những loại tài sản bị hạn chế chuyển nhượng pháp luật quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục,…Như vậy, để xác lập hợp đồng mua bán tài sản có đối tượng bị hạn chế chuyển nhượng, các chủ thể phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, số lượng,…mà pháp luật quy định.

Cuối cùng, tải sản phải thuộc quyền sở hữu của bên bán.

2. Hình thức của hợp đồng mua bán tài sản

Theo quy định chung, hình thức của hợp đồng phải tuân theo các quy định về hình thức trong giao dịch dân sự. Cụ thể

Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

3. Giá và phương thức thanh toán

+ Giá, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Trường hợp pháp luật quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.

+ Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá, phương thức thanh toán thì giá được xác định theo giá thị trường, phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.

4. Chất lượng về tài sản mua bán

+ Chất lượng của tài sản mua bán do các bên thỏa thuận.

+ Trường hợp tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thỏa thuận của các bên về chất lượng của tài sản không được thấp hơn chất lượng của tài sản được xác định theo tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Khi các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.

Trường hợp không có tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiêu chuẩn ngành nghề thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán

+ Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.

+ Khi các bên không thỏa thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.

+ Bên mua thanh toán tiền mua theo thời gian thỏa thuận. Nếu không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản.

6. Địa điểm giao tài sản

+ Địa điểm thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận.

+ Trường hợp không có thỏa thuận thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ được xác định như sau:

a) Nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ là bất động sản;

b) Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản.

Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

7. Phương thức giao tài sản

+ Tài sản được giao theo phương thức do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì tài sản do bên bán giao một lần và trực tiếp cho bên mua.

+ Trường hợp theo thỏa thuận, bên bán giao tài sản cho bên mua thành nhiều lần mà bên bán thực hiện không đúng nghĩa vụ ở một lần nhất định thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến lần vi phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

8. Nghĩa vụ trả tiền

+ Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

+ Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

+ Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.

Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, Kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/ Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T .

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023