Tội giết người theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015

Quyền sống (hay quyền được sống) là quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của Nhân quyền. Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Giết người là hành vi của chủ thể cố tình tước đoạt đi mạng sống của người khác. Vì mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, trong Bộ luật hình sự năm 2015 đã đưa ra những khung hình phạt nặng đối với mọi chủ thể trong xã hội khi thực hiện hành vi trên. Vậy, trường hợp nào thì được coi là đã thực hiện hành vi giết người? Khung hình phạt đối với hành vi này được quy định ra sao?

1. Cấu thành tội giết người

1.1. Mặt khách quan của tội giết người

Hành vi khách quan của tội giết người được thể hiện ở việc người này đã thực hiện các hành động hoặc thủ đoạn nhằm chấm dứt sự sống của chủ thể bị xâm phạm quyền. Như vậy, hành vi của người phạm tội có thể được thể hiện ở hai dạng khác nhau: Hành động hoặc không hành động. Hành vi hành động được thể hiện thông qua thực tế khách quan như: sử dụng những vật dụng (dao, cuốc, xẻng, búa…); sử dụng các phương tiện (xe máy, ô tô…) … Hành vi không hành động được thể hiện ở việc đã không thực hiện các hoạt động mà pháp luật yêu cầu phải làm, dẫn đến có người chết. Ví dụ như bác sĩ không thực hiện cứu chữa bệnh nhận khi đang cấp cứu…

Thông thường, nguyên nhân và động cơ của người thực hiện hành vi phạm tội phải có quan hệ mật thiết với những hậu quả xảy ra sau này. Đây là điều cần thiết để xác định tội danh và khung hình phạt. Tuy nhiên đối với tội danh giết người, không nhất thiết phải có hậu quả xảy ra thì người phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự, bởi lẽ, Điều 14 BLHS năm 2015 đã quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội.

Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.

Người sửa soạn công cụ, phương tiện cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này mặc dù chưa thực hiện hành vi tước đoạt mạng sống người khác.

Trường hợp khác, không phải trường hợp nào xảy ra hậu quả chết người thì cũng đều truy cứu trách nhiệm đối với người gây ra cái chết đó. Ví dụ: một người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, sử dụng phương tiện ô tô của mình để di chuyển trên đường, đột nhiên có người lao ra ngoài đường khiến cho tài xế không thể kịp phản ứng, dẫn đến người sang đường chết. Trong trường hợp này, người tài xế có thể được xem xét vào các trường hợp “sự kiện bất ngờ” và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1.2. Chủ thể của tội phạm

Đây là tội danh có tính chất đặc biệt nghiêm trọng vì vậy tất cả người dân trên 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi và không rơi vào các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự được quy định tại chương IV Bộ luật hình sự năm 2015 – ví dụ như: Sự kiện bất ngờ; Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết… thì đều phải chịu những khung hình phạt quy định tại Điều 123 Bộ luật này.

Đối với trường hợp người dân từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi, tại Điều 91 Bộ luật này đã ghi rõ, những chủ thể này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương đương như các chủ thể khác.

1.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Cố ý giết người là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội  nhận thức rõ hành động của mình là tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết.

Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người được biểu hiện khác nhau:

– Dạng biểu hiện thứ nhất là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội  thấy trước được hậu quả chết người là tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó phát sinh. Loại biểu hiện này rõ nét. Ý thức này được biểu hiện ra bên ngoài bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che giấu tội phạm v.v… còn gọi là cố ý có dự mưu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trước khi hành động, người phạm tội không có thời gian chuẩn bị nhưng họ vẫn thấy trước được hậu quả tất yếu xảy ra và cũng mong muốn cho hậu quả xảy ra.

– Dạng biểu hiện thứ hai là trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội  chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội  chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người phạm tội cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra.

– Dạng biểu hiện thứ ba là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội  cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Người phạm tội giết người đều có chung một mục đích là tước đoạt tính mạng con người, nhưng động cơ thì khác nhau. Động cơ không phải là yếu tố định tội giết người, nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt.

Những dấu hiệu khác như: thời gian. địa điểm, hoàn cảnh v.v… chỉ có ý nghĩa xác định mức độ nguy hiểm đối với hành vi giết người, chứ không có ý nghĩa định tội.

1.4 Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của người còn sống.

Thứ nhất, tội giết người chỉ được xác định khi hành vi và ý chí của người phạm tội hướng đến một người đang còn sống.

Thứ hai, đối với trường hợp người phụ nữ đang mang thai mà là nạn nhân của vụ án, cái thai trong bụng không được tính là một chủ thể và sự kiện đó không được xác định đã giết hai mạng người mà theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, nó chỉ được xem xét như một tình tiết để xác định khung hình phạt.

2. Khung hình phạt đối với tội giết người

Khung hình phạt đối với tội giết người được quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, Kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/ Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023