Một số vấn đề về xác minh điều kiện thi hành án dân sự

Sau khi Bản án hoặc Quyết định dân sự của Toà án có hiệu lực thì việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự để Bản án hoặc Quyết định được thi hành là điều được quan tâm và cần phải lưu ý. Dưới đây là một số vấn đề về xác minh điều kiện thi hành án dân sự dựa trên các quy định của pháp luật của Luật sư Nguyễn Thị Phượng.

1. Căn cứ quy định pháp luật

– Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014;

– Nghị định số 62/2015/NĐ – CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự;

– Nghị định số 33/2020/NĐ – CP ngày 17/03/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ – CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự;

– Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT – BTP – TANDTC – VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.

2. Chủ thể xác minh

Khoản 17 Điều 1 Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định người được thi hành án có quyền tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS. Người được thi hành án có quyền (không phải là trách nhiệm) tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS.

Theo quy định của Luật THADS thì trách nhiệm xác minh thuộc về cơ quan thi hành án, cụ thể là Chấp hành viên được giao tổ chức thi hành án.

Như vậy, chủ thể xác minh điều kiện thi hành án dân sự có thể là Người được thi hành án (theo quyền) và cơ quan thi hành án dân sự (theo trách nhiệm).

3. Thời hạn xác minh

Đối với các trường hợp thông thường: Thời hạn xác minh là trong 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án.

Đối với trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Chấp hành viên phải xác minh ngay khi được giao tổ chức thi hành vụ việc.

Đối với trường hợp sau khi ra quyết định chưa có điều kiện thi hành: Sau khi ra Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, thời hạn xác minh tiếp theo như sau:

  • Ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án.
  • Đối với trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù mà tại thời điểm xác minh lần đầu cho thấy thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần.
  • Nếu nhận được văn bản của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản.

Trên cơ sở kết quả xác minh, trong trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA thì Cơ quan THADS ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành và chuyển sang sổ theo dõi riêng  trong  thời hạn 03 ngày làm việc khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

Hiện nay, quan điểm về việc có tiếp tục thực hiện xác minh đối với những việc đã chuyển sổ theo dõi riêng (bao gồm cả những việc thi hành án chủ động và theo yêu cầu) hay không chưa thống nhất. Tuy nhiên, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định rõ: những việc này cơ quan THADS chỉ tiến hành xác minh chỉ khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Thông tin mới này có thể có được từ bất kỳ nguồn nào (do đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp…).

Luật sư Nguyễn Thị Phượng – Luật sư Công ty Luật Hợp danh H3T

4. Nội dung xác minh

Tuỳ thuộc nghĩa vụ thi hành án là gì cơ quan THADS sẽ xác định chính xác và đầy đủ nội dung xác minh, trong đó những nội dung sau cần được lưu ý: nhân thân của người phải thi hành án; điều kiện tài sản của người phải thi hành án; làm rõ quan điểm của chính quyền địa phương; Xác minh các điều kiện khác phát sinh trong quá trình xác minh. Nội dung cơ bản cần xác minh gồm: xác định người được thi hành án, người phải thi hành án, địa chỉ, nơi cư trú của đương sự, địa chỉ nơi làm việc, nội dung vụ việc tranh chấp theo Bản án hoặc Quyết định của Toà án, thời điểm phải thi hành nghĩa vụ.

Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể, Chấp hành viên sẽ khai thác thêm các thông tin khác có liên quan để phục vụ cho việc xác minh. Cụ thể:

4.1.   Xác minh đối với quyền sử dụng đất, nhà ở:

Đất, nhà ở là các bất động sản có giá trị lớn và ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan. Khi xác minh điều kiện thi hành án đối với quyền sử dụng đất, nhà ở, Chấp hành viên sẽ xác minh các vấn đề sau:

– Nhà, đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ai, chung hay riêng, ai đang quản lý, sử dụng tài sản đó. Trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì xác minh thời điểm hình thành tài sản và thời điểm kết hôn của hai vợ chồng. Trường hợp tài sản chung của hộ gia đình thì xác định hộ gia đình gồm những ai, bao nhiêu tuổi, thời điểm các thành viên gia nhập hộ, thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất.

– Nhà đất có vị trí, diện tích như thế nào; diện tích đất được cấp giấy chứng nhận và diện tích đất/nhà thực tế có sự chênh lệch hay không? Có bị thế chấp, bảo lãnh không; thời điểm thực hiện việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh? Có nằm trong quy hoạch hoặc có bị tranh chấp không;

– Tình trạng của nhà, đất như thế nào. Trường hợp người phải thi hành án cung cấp thông tin nhà, đất đã được bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh cho người khác thì Chấp hành viên yêu cầu xuất trình các hợp đồng, văn bản chứng minh việc mua bán, tặng cho… và phải xem xét tính hợp pháp của giao dịch đó, đặc biệt chú ý thời điểm diễn ra giao dịch. Việc công chứng hợp đồng và chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đã được thực hiện chưa, thực hiện như thế nào, kết quả ra sao?

– Nhà, đất thuộc loại nào, được phép hay không được phép chuyển quyền sử dụng? Có thể phân chia hay không thể phân chia.

4.2.     Xác minh đối với tài sản là động sản:

Chấp hành viên sẽ xác minh tài sản thuộc sở hữu của ai; Ai đang quản lý, sử dụng tài sản đó; Tài sản thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng; Sở hữu chung của vợ chồng hay của hộ gia đình hay sở hữu chung với người khác.Tình trạng cụ thể của tài sản (số lượng, chất lượng); Có bị cầm cố, thế chấp, bảo lãnh không, Có thuộc diện không được kê biên theo quy định không.

Đối với xác minh tài sản là tiền thì Chấp hành viên sẽ xác định số tiền của người phải thi hành án đang do ngân hàng, tổ chức tín dụng quản lý hay do người thứ ba giữ. Trên cơ sở đó, cần xác minh có hay không có việc mở tài khoản hoặc tiền gửi tiết kiệm của người phải thi hành án tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng và nếu có thì số tiền còn trong tài khoản, trong sổ tiết kiệm là bao nhiêu.

Nếu người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì số tiền đó là bao nhiêu? Căn cứ xác định người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án (theo Bản án, quyết định của Tòa án, hoặc thông qua hợp đồng, giao dịch dân sự ,…). Tiền đó dùng để thực hiện công việc gì. Các nội dung cần phải chi từ số tiền đó (nếu có) để xác định thứ tự ưu tiên. Thời điểm phát sinh trách nhiệm của các bên (thời điểm các bên phải thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng. Thời điểm nghĩa vụ đến hạn theo bản án, quyết định…).

4.3.   Xác minh để thi hành nghĩa vụ trả vật, trả giấy tờ, tài sản

Khi Bản án, Quyết định tuyên người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả vật, trả giấy tờ, tài sản cho người được thi hành án thì Chấp hành viên sẽ tập trung xác minh các nội dung: vật phải giao/ trả có còn không, Có phải là vật đặc định hay vật cùng loại; Ai là người đang quản lý hoặc sử dụng vật phải giao; Tình trạng của vật phải giao: số lượng, chất lượng, chủng loại; có gì sai khác với bản án, quyết định đã tuyên không. Nếu có khác là do bản án tuyên không chính xác, do thời gian, ngoại cảnh tác động hay do bị phá hoại. Ai là người hủy hoại, phá hỏng, làm giảm giá trị của vật phải giao.

4.4.   Xác minh để thi hành nghĩa vụ trả nhà, giao nhà

Khi xác minh điều kiện để thi hành nghĩa vụ trả nhà, giao nhà, Chấp hành viên sẽ chú ý xác minh những vấn đề sau:

– Nhà phải giao đang do ai quản lý, sử dụng (có phải là người phải thi hành án không); giấy tờ nhà đang do ai nắm giữ?

– Các nhân khẩu hiện đang cư trú trong nhà (có người già, trẻ em, các đối tượng chính sách cần quan tâm không). Các tài sản hiện có ở trong nhà bao gồm những tài sản gì?

– Tình trạng nhà phải giao: Vị trí cụ thể, số phòng, diện tích sử dụng; có sự thay đổi gì so với nội dung bản án, quyết định không (xây dựng, sửa chữa hay phá dỡ…); nếu có thay đổi thì thời điểm thực hiện sự thay đổi đó là thời điểm nào (trước hay sau khi có bản án, quyết định);

– Địa hình, giao thông xung quanh, mốc giới.

– Xác minh nơi ở khác của người phải thi hành án (để xử lý trong trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án).

– Ý thức, thái độ của người phải thi hành án và của chính quyền địa phương đối với bản án (nội dung này không bắt buộc nhưng nên thực hiện để việc tổ chức thi hành án được thuận lợi hơn).

4.5.    Xác minh để thi hành nghĩa vụ giao quyền sử dụng đất

Chấp hành viên sẽ chú ý các nội dung sau đây khi xác minh điều kiện để thi hành nghĩa vụ giao quyền sử dụng đất:

– Diện tích đất phải giao đang do ai quản lý, sử dụng? Giấy tờ do ai nắm giữ.

– Vị trí, diện tích đất phải giao có đúng với bản án, quyết định không. Nếu có thì ít hơn hay nhiều hơn so với bản án, quyết định. Xác minh lý do có sự chênh lệch về vị trí, diện tích so với bản án, quyết định.

– Địa hình, giao thông xung quanh, mốc giới.

– Trên đất phải giao có tài sản hay không? Tài sản gồm những gì (số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản có trên đất). Tài sản có trước hay sau khi có bản án. Chủ sở hữu tài sản trên đất có phải là người phải thi hành án không hay là người khác.

– Ý thức, thái độ của người phải thi hành án và của chính quyền địa phương đối với bản án (nội dung này không bắt buộc nhưng nên thực hiện để việc tổ chức thi hành án được thuận lợi hơn).

4.6.     Xác minh để thi hành nghĩa vụ buộc phải thực hiện một công việc hoặc không được thực hiện một công việc nhất định

Đây là nghĩa vụ có liên quan đến khả năng tự thực hiện của người phải thi hành án. Tuy nhiên, cần phân biệt nghĩa vụ có liên quan đến tài sản (như buộc tháo dỡ nhà trái phép, mở lối đi, bịt cửa sổ…) với nghĩa vụ không liên quan đến tài sản (như giao con, cải chính, chấm dứt hành vi,…) để có cách thức xác minh phù hợp. Thông thường, nội dung xác minh sẽ tập trung vào các vấn đề sau:

– Điều kiện kinh tế để thực hiện nghĩa vụ.

– Thể chất, ý thức, thái độ của người phải thi hành án.

– Khả năng tự thực hiện hành vi của người phải thi hành án; trường hợp người phải thi hành án không tự thực hiện, người khác có thể thực hiện công việc theo quy định của pháp luật được không.

5. Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành

Khoản 17 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định như sau:

– Cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp – hộ tịch, địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp.

– Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; ký vào biên bản trong trường hợp Chấp hành viên xác minh trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên, đối với thông tin về tài khoản thì phải cung cấp ngay.

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án có yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Trường hợp người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Trên đây là bài viết “Một số vấn đề về xác minh điều kiện thi hành án dân sự” dựa trên quy định pháp luật và thực tế hành nghề của tác giả Nguyễn Thị Phượng – Luật sư Công ty Luật Hợp danh H3T. Hy vọng bài viết sẽ là nguồn tham khảo hữu ích giúp Quý khách hàng, Quý độc giả hiểu và nắm vững quy định về xác minh điều kiện thi hành án dân sự. Nếu có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Hợp danh H3T để được tư vấn chính xác, kịp thời.

Luật sư – Nguyễn Thị Phượng

 

 

 

 

 

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023