Án phí, lệ phí trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Án phí là một trong những nội dung được ghi nhận trong pháp luật tố tụng hiện hành và cũng là nội dung cần giải quyết trong một bản án. Những vấn đề liên quan đến mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, định nghĩa án phí, lệ phí được quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

Điều 143. Tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí; án phí, lệ phí

1. Tiền tạm ứng án phí bao gồm tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

2. Án phí bao gồm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm.

3. Tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự bao gồm tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm và tiền tạm ứng lệ phí phúc thẩm.

4. Lệ phí bao gồm lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định và các giấy tờ khác của Tòa án, lệ phí nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, lệ phí giải quyết việc dân sự và các khoản lệ phí khác mà luật có quy định.

1. Mức án phí, lệ phí

Các quy định về án phí, lệ phí hiện hành còn khá khó tiếp cận đối với người dân. Vì vậy, dưới đây là những thông tin chi tiết về án phí, lệ phí như sau:

Theo văn bản kèm theo tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14

1.1. Mức án phí vụ án dân sự sơ thẩm:

– Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, lao động không có giá ngạch thì án phí là 300.000 đồng.

– Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình có giá ngạch:

+ Giá ngạch từ 6.000.000 đồng trở xuống, mức án phí là 300.000 đồng.

+ Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng, mức phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp.

+ Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng, mức phí là 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.

+ Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, mức phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng.

+ Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng, mức phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng.

+ Từ trên 4.000.000.000 đồng, mức phí là 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

– Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch thì phí là 3.000.000 đồng.

– Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch:

+ Từ 60.000.000 đồng trở xuống, mức án phí là 3.000.000 đồng.

+ Từ 60.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng, mức án phí là 5% của giá tị tranh chấp.

+ Từ 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng thì mức án phí là 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.

+ Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, mức án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng.

+ Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng, mức án phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng.

+ Từ trên 4.000.000.000 đồng, mức án phí là 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

– Đối với tranh chấp về lao động có giá ngạch:

+ Từ 6.000.000 đồng trở xuống, mức án phí là 300.000 đồng.

+ Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng, mức án phí là 3% giá trị tranh chấp, nhưng không thấp hơn 300.000 đồng.

+ Từ trên 400.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, mức án phí là 12.000.000 đồng + 2% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.

+ Từ trên 2.000.000.000 đồng, mức án phí là 44.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng.

1.2. Mức án phí dân sự phúc thẩm

Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, mức phí là 300.000 đồng

Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại, mức phí là 2.000.000 đồng.

1.3. Lệ phí giải quyết việc dân sự

Lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động là 300.000 đồng.

Lệ phí phúc thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động là 300.000 đồng.

Các lệ phí khác:

– Lệ phí yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của trọng tài nước ngoài:

+ Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của Trọng tài nước ngoài là 3.000.000 đồng.

+ Lệ phí kháng cáo quyết định của Tòa án về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của Trọng tài nước ngoài là 300.000 đồng.

– Lệ phí giải quyết yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại

+ Lệ phí yêu cầu Tòa án chỉ định, thay đổi trọng tài viên là 300.000 đồng.

+ Lệ phí yêu cầu Tòa án xem xét lại phán quyết của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài, về thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng trọng tài; đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc là 500.000 đồng.

2. Nghĩa vụ chịu án phí, lệ phí

2.1. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm

Về nguyên tắc, đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.

a, Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.

b, Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

c, Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.

2.2. Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm

a, Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.

b, Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.

c, Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2.3. Nghĩa vụ chịu lệ phí

a, Nghĩa vụ chịu lệ phí được xác định tùy theo từng loại việc dân sự cụ thể và do luật quy định.

b, Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc chịu lệ phí, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu lệ phí theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người có nghĩa vụ chịu lệ phí thì mỗi người phải chịu một nửa lệ phí.

Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, Kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023