Bàn về quyền gặp bị can, bị cáo của Luật sư

Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định quyền gặp bị can, bị cáo của người bào chữa nói chung, trong đó đã bao gồm trường hợp người bào chữa là Luật sư. Ở đây, trong phạm vi bài viết và quá trình hành nghề, hướng dẫn người tập sự hành nghề Luật sư tôi có những quan điểm dưới góc nhìn của một Luật sư bào chữa.

Miễn bàn về việc có được gặp bị can, bị cáo hay không

Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Tại các Điều 16 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015; Khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 ; Khoản 3 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT ngày 23-1-2018 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – TAND tối cao – Viện KSND, đều quy định về việc người bào chữa (bao gồm Luật sư) được phép gặp bị can, bị cáo mà mình đang bào chữa.

Đối với những vụ án mà bị can bị tạm giam để điều tra, thì việc gặp gỡ giữa Luật sư và bị can là vô cùng cần thiết cho việc bào chữa. Bởi lẽ, chính bị can là nguồn cung cấp thông tin đầy đủ nhất về các hành vi mà mình đang bị buộc tội. Luật sư cần phải nắm được những thông tin này để tư vấn pháp lý và định hướng bào chữa. Nếu để đến khi kết thúc điều tra mới cho Luật sư gặp bị can thì hoạt động bào chữa không còn nhiều giá trị, vì hồ sơ đã được hoàn thiện theo hướng buộc tội.

Theo quy dịnh tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, để gặp người bị tạm giam, Luật sư chỉ cần xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và thẻ Luật sư (Điều 80 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Trong toàn văn Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, không có quy định để được gặp bị can bị tạm giam thì Luật sư phải có sự đồng ý của giám thị trại giam hay sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng không quy định việc gặp gỡ giữa Luật sư và bị can phải bị giám sát bởi quản giáo hoặc bị giám sát bởi cơ quan tiến hành tố tụng. Cả Điều 73 và Điều 80 nêu trên đều không cho phép các cơ quan nhà nước được phép ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật.

Đối với Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, việc Luật sư gặp bị can đang bị tạm giam được quy định tại khoản 3 của Điều 22. Theo đó, Luật sư được gặp người bị tạm giam để thực hiện việc bào chữa, không giới hạn số lần gặp, điều kiện gặp mặt là phải xuất trình giấy tờ tùy thân và giấy tờ về việc bào chữa, không quy định việc giám sát buổi gặp, không cần phải xin phép bất cứ cơ quan nào, không quy định việc phải báo trước về việc thăm gặp, cũng không cho phép các cơ quan quản lý nhà nước được phép quy định chi tiết nội dung này. Cũng giống như tinh thần của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quyền thăm gặp bị can đang bị tạm giam của Luật sư trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cũng được bảo vệ một cách toàn vẹn và nhân văn.

Tại khoản 2 của Điều 22 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có quy định về việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi của cơ sở giam giữ; cơ quan thụ lý vụ án có thể giám sát việc thăm gặp nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, những quy định này là để áp dụng cho trường hợp thăm gặp thân nhân và đối tượng không phải là thân nhân nhưng được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý cho thăm gặp, không áp dụng đối với Luật sư.

Tại Điều 22 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Quốc hội cũng có cho phép Chính phủ quy định chi tiết nhưng là quy định chi tiết khoản 5 của điều luật, chứ không cho phép quy định chi tiết khoản 3. Khoản 5 quy định về việc thăm gặp người bị tạm giam là người nước ngoài, tiếp xúc với lãnh sự, tổ chức nhân đạo, không liên quan đến việc thăm gặp của Luật sư. Như vậy, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cũng không cho phép Chính phủ hoặc các cơ quan trực thuộc chính phủ hoặc bất cứ tổ chức nào được phép quy định chi tiết luật liên quan đến việc thăm gặp bị can của Luật sư.

Có thể nói, với Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thì quyền thăm gặp của Luật sư với bị can là tương đối toàn vẹn và không bị xâm phạm; Như vậy, về cơ bản khi một người khi bị bắt, bị buộc tội, họ đều có quyền mời Luật sư và Luật sư bào chữa hoàn toàn có quyền được gặp bị can, bị cáo.

Luật sư Cao Trọng Chuyên – Giám đốc Công ty Luật Hợp danh H3T

Những vướng mắc khi áp dụng luật trên thực tế

Trách nhiệm của Luật sư bào chữa trong một vụ án hình sự là đi tìm sự thật, đưa ra căn cứ có lợi cho người bị buộc tội và quyền im lặng trước những bất lợi của họ. Hoạt động này nhằm đảm bảo sự cân bằng cho cán cân công lý giữa một bên buộc tội và một bên gỡ tội (về mặt kỹ thuật lập pháp). Hoạt động bào chữa của Luật sư thể hiện tính nhân văn trong quy định của pháp luật, nhân đạo trong lối ứng xử xã hội giữa con người với con người. Trên cơ sở đó Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định Luật sư được gặp bị can trong trại giam mà không cần phải xin phép hoặc bị giám sát bởi bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Tuy nhiên lại có những Thông tư, Thông tư liên tịch do các cơ quan tiến hành tố tụng ban hành với nội dung chưa phù hợp với quy định của Bộ Luật và Luật.

Điều này đã dẫn đến việc gặp, hỏi bị can, bị cáo của Luật sư bị ảnh hưởng và hạn chế.

1. Cơ sở giam giữ không tạo điều kiện

Kể từ thời điểm Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có hiệu lực vào đầu năm 2018 đến nay, đã có bước chuyển biến căn bản trong nhận thức và thực tế từ phía các cơ quan và những người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm thực thi các quy định nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo, đương sự trong nhiều vụ án hình sự. Tuy nhiên trên thực tế Luật sư chúng tôi tham gia bào chữa vẫn còn gặp khó khăn khi yêu cầu gặp bị can, bị cáo.

Trong giai đoạn điều tra, trên thực tế tại một số nơi khi Luật sư yêu cầu gặp bị can đang bị tạm giữ, tạm giam rất khó khăn; Vẫn còn rất nhiều cơ quan điều tra, điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ quản lý cơ sở giam giữ vẫn nhận thức và yêu cầu thực hiện trên thực tế trong giai đoạn điều tra là việc gặp, tiếp xúc, làm việc, tham dự các buổi hỏi cung của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam phải được sự chấp thuận của cơ quan điều tra hoặc theo kế hoạch hỏi cung của điều tra viên.

Một số trại tạm giam có yêu cầu Luật sư xuất trình thêm các loại văn bản giấy tờ nằm ngoài quy định của Điều 80 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

2. Cơ quan tiến hành tố tụng chưa tạo điều kiện tốt nhất cho Luật sư

Về mặt pháp lý, như nội dung điểm (a), (b) Khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định có hai trình tự cuộc gặp của người bài chữa bao gồm:

Thứ nhất, việc gặp để làm việc riêng, chủ động của người bào chữa với người bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó cơ sở giam giữ phải giải quyết yêu cầu gặp mặt của người bào chữa, trong trường hợp cần thiết thì báo với cơ quan thụ lý vụ án để cử người tham gia giám sát, chứ không thể lấy lý do cơ quan điều tra không đồng ý, hoặc điều tra viên bận không tham dự, để từ chối việc luật sư yêu cầu gặp mặt người bị tạm giữ, tạm giam.

Thứ hai, người bào chữa tham dự cuộc làm việc, hỏi cung theo kế hoạch của cơ quan điều tra, điều tra viên; chỉ được đặt câu hỏi khi được điều tra viên đồng ý, nếu được phép đặt câu hỏi và trả lời thì nội dung phải ghi rõ trong biên bản, luật sư đọc lại, xác nhận và ký tên trên biên bản.

Trong một số trường hợp, sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, hồ sơ vụ án đã được chuyển đến Viện kiểm sát và Tòa án, khi Luật sư lần đầu tiếp cận vụ án, các Luật sư có mong muốn gặp bị can mà mình bào chữa. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng dễ dàng được Tòa án chấp nhận, việc Luật sư phải chờ đợi, phải mất từ nửa ngày đến một ngày để chờ gặp bị can, bị cáo là điều thường xuyên xảy ra. Khi gặp còn phải chịu sự giám sát của thư ký tòa, như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí còn gây cản trở các quyền cơ bản của Luật sư bào chữa.

Như vậy phải chăng trong thời gian tới, nên có những quy định cụ thể hơn nữa về việc gặp gỡ của Luật sư với bị can, bị cáo; thay đổi một số nội dung về quyền giám sát hoặc đồng ý cho phép của các cơ quan tiến hành tố tung. Hoặc đơn giản hơn là sự thống nhất văn bản quy định, loại bỏ các văn bản không cần thiết, tránh tình trạng các cơ sở tạm giữ, tạm giam, các cơ quan tiến hành tố tụng khác cố tình cản trở, giới hạn việc gặp của Luật sư.

Luật sư: Cao Trọng Chuyên – GĐ Công ty Luật Hợp danh H3T

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023