Di chúc là sự thể hiện ý chí cuối cùng của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc miệng là hình thức di chúc mang tính phòng ngừa, trao cho người lập di chúc cơ hội cuối cùng để lại ý nguyện định đoạt tài sản của mình trong trường hợp đặc biệt.
Dưới đây là một số quan điểm về “Hiệu lực của di chúc miệng theo quy định của pháp luật” của tác giả Phạm Thị Thùy Dung.
1. Khi nào thì được lập di chúc miệng?
Theo Điều 624 và Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người để lại di chúc chỉ được lập di chúc miệng khi rơi vào các hoàn cảnh như tai nạn, bị cái chết đe dọa,… mà không thể lập di chúc bằng văn bản nhưng có nguyện vọng để lại di sản cho người khác sau khi chết.
2. Điều kiện đối với người lập di chúc miệng
Trong trường hợp tính mạng một người bị đe dọa, người lập di chúc có thể được phép để lại di chúc miệng nhưng vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc;
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật;
– Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc;
– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
3. Quy định của pháp luật về trường hợp được lập di chúc miệng
Theo quy định tại Điều 629 Bộ luật dân sự năm 2015, trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Tuy nhiên, những người không được làm chứng cho việc lập di chúc theo quy định tại Điều 632 Bộ luật dân sự năm 2015 bao gồm:
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc, bao gồm các hàng thừa kế của người lập di chúc;
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Đây là một quy định hợp lý, tránh trường hợp xung đột lợi ích giữa những người có quyền thừa kế, đảm bảo sự khách quan, công bằng, minh bạch. Ngoài ra, việc quy định người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không được làm chứng đảm bảo cho việc người làm chứng có thể ghi lại một cách chính xác, trung thực di chúc miệng của người để lại di chúc và có thể ký, điểm chỉ vào văn bản công chứng để xác nhận tính chính xác của văn bản.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Sau 03 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. Ngoài ra, trong trường hợp người lập di chúc miệng hoặc nội dung di chúc không đáp ứng các điều kiện theo quy định của BLDS năm 2015 thì di chúc miệng vẫn có thể bị hủy bỏ.
Quy định pháp luật về việc lập di chúc miệng giúp người có tài sản nhưng đang bị đe dọa về tính mạng thể hiện được ý chí trong việc định đoạt tài sản của mình trước khi chết, đảm bảo cho quyền thừa kế luôn được thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, do sự khó khăn trong việc áp dụng các quy định pháp luật (sự thiếu hiểu biết về mặt pháp luật của người dân, tình thế cấp thiết của người để lại di chúc, khó khăn trong việc tìm người làm chứng khách quan, vô tư…) dẫn đến việc di chúc miệng không được công nhận hiệu lực khá phổ biến từ đó dẫn đến những tranh chấp về thừa kế với hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với tài sản là quyền sử dụng đất.
Chính vì thế, tác giả cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thừa kế, đặc biệt là quy định về di chúc hợp pháp đến với đông đảo người dân rất quan trọng. Khi nhận thức pháp luật nâng cao, người dân sẽ tự ý thức hơn trong việc lập di chúc hợp pháp để đảm bảo quyền quyết định về tài sản của mình sau khi chết, tránh mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến di sản.
Trên đây là những nội dung nghiên cứu của tác giả Phạm Thị Thùy Dung. Hy vọng bài viết sẽ giúp Quý khách hàng, Quý độc giả có góc nhìn khách quan và toàn diện hơn khi nghiên cứu pháp luật về thừa kế.
Trường hợp có bất kỳ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ chi tiết, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Hợp danh H3T để được tư vấn chính xác, kịp thời.
Chuyên viên pháp lý – Phạm Thị Thùy Dung