Hỏi:
Thưa luật sư tôi muốn hỏi trường hợp như sau: Hộ gia đình tôi có một thửa đất và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giờ tôi muốn chuyển nhượng cho con gái tôi thửa đất này thì làm thế nào để đúng với quy định của pháp luật.
Đáp:
Cảm ơn Quý Anh/ chị đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hợp danh H3T, đối với vấn đề này, Luật sư tư vấn như sau:
1. Quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình là gì?
Căn cứ Khoản 29, Điều 3 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
2. Quy định của pháp luật về sở hữu tài sản chung của hộ gia đình
Điều 102 và Điều 212 Bộ luật dân sự 2015
- Tài sản chung của hộ gia đình gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định.
- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Nếu là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Khi thực hiện thủ tục sang tên đất đứng tên hộ gia đình cho cá nhân cần có sự đồng ý của những thành viên còn lại trong sổ đỏ.
- Việc xác định ai là người thuộc quyền sở hữu chung trên được căn cứ vào sổ hộ khẩu. Theo đó những người có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm mảnh đất được cấp giấy và vợ hoặc chồng của những người đó (đã đăng ký kết hôn) đều có quyền sử dụng đối với mảnh đất và đều có quyền chuyển nhượng.
- Khi thực hiện giao dịch mua bán đất, hợp đồng,văn bản liên quan của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định ký tên được quy định tại Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Ngoài ra người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
3. Trình tự, thủ tục mua bán đất đứng tên hộ gia đình
3.1. Thành phần hồ sơ
- Đơn xin đăng ký biến động quyền sử dụng đất (theo mẫu) ;
- Hợp đồng mua bán (chuyển nhượng quyền sử dụng đất);
- Văn bản xác nhận/cam kết đồng ý của các thành viên còn lại;
- Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu;
- Tờ khai lệ phí trước bạ;
- Các giấy tờ khác có liên quan.
3.2. Thủ tục được thực hiện như sau:
- Ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Đăng ký biến động đất đai tại Phòng Tài nguyên và Môi trường ( Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính; chỉnh lý giấy chứng nhận hoặc thực hiện cấp giấy chứng nhận mới.)
- Thực hiện nghĩa vụ tài chính
Sau khi người nhận chuyển nhượng thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sở hữu.
Việc thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình đòi hỏi có sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình để tránh xảy ra tranh chấp kéo dài.
Xem thêm: Tình huống vay nợ FE không trả
Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, Kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/ Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.