Các trường hợp Hợp đồng vô hiệu

Hợp đồng vô hiệu là hợp đồng không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Một hợp đồng bị vô hiệu hoá sẽ được xem như chưa bao giờ tồn tại và không làm phát sinh bất kì quyền và nghĩa vụ nào từ hợp đồng.

Phân loại Hợp đồng vô hiệu

Căn cứ vào thủ tục tố tụng

Tùy vào tính trái pháp luật mà hợp đồng có thể vô hiệu tuyệt đối hoặc vô hiệu tương đối. Việc quyết định sẽ phụ thuộc vào tính chất trái pháp luật của hợp đồng, hợp đồng xâm phạm đến quyền lợi của ai, quyền lợi bị vi phạm thế nào? Từ đó sẽ có các thủ tục tố tụng và thời hiệu khởi kiện dân sự tương ứng.

Hợp đồng sẽ vô hiệu ngay lập tức khi xâm phạm đến lợi ích công. Với lợi ích tư, hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu do:

  • Có đơn yêu cầu khởi kiện của một trong các bên tham gia giao kết hợp đồng hoặc của những người có quyền, lợi ích liên quan
  • Có quyết định của Tòa

(1) Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối

Hợp đồng bị tuyên bố là vô hiệu tuyệt đối khi việc xác lập hợp đồng trái với pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hoặc lợi ích chung, lợi công cộng, cụ thể:

  • Vô hiệu do giả tạo
  • Có các nội dung vi phạm những điều mà pháp luật cấm
  • Có nội dung hoặc mục đích trái với các giá trị đạo đức xã hội
  • Có hình thức khác với các hình thức quy định của pháp luật, đã được Tòa án cho thời hạn để thay đổi hình thức đúng theo quy định nhưng không thay đổi.
  • Hợp đồng vi phạm về hình thức nhưng các bên chưa thực hiện và có tranh chấp xảy ra thì hợp đồng cũng được xem là vô hiệu tuyệt đối.

Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối sẽ không hạn chế thời hiệu khởi kiện lên tòa án. Việc giải quyết sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật, không giải quyết theo yêu cầu của các bên. Đồng thời, hợp đồng vô hiệu tuyệt đối không được hòa giải, không được công nhận giá trị pháp lý khi thụ lý và giải quyết tranh chấp.

(2) Hợp đồng vô hiệu tương đối

Khác với hợp đồng vô hiệu tuyệt đối, hợp đồng vô hiệu tương đối là các hợp đồng bị tòa án tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của các bên liên quan. Hợp đồng bị tuyên bố là vô hiệu tương đối khi:

  • Được xác lập bởi các chủ thể không có năng lực hành vi dân sự hoặc không có năng lực hành vi tương ứng với yêu cầu của pháp luật đối với giao dịch theo thỏa thuận trong hợp đồng
  • Vô hiệu do bị đe dọa/ do lừa dối/ do nhầm lẫn
  • Vô hiệu do người xác lập trong tình trạng không thể nhận thức hoặc không điều khiển được hành vi của mình.

Căn cứ vào phạm vi bị vô hiệu

(1) Hợp đồng vô hiệu toàn bộ

Là hợp đồng có toàn bộ nội dung vô hiệu, hoặc tuy chỉ có một phần nội dung vô hiệu nhưng phần đó lại ảnh hưởng đến hiệu lực của toàn bộ hợp đồng.

Khi có những căn cứ cho là toàn bộ điều khoản của hợp đồng bị vô hiệu, thì hợp đồng vô hiệu toàn bộ. Căn cứ làm cho hợp đồng vô hiệu có thể xuất phát từ sự vi phạm nội dung hợp đồng, nhưng cũng có thể là những căn cứ khác như: mục đích, năng lực giao kết hợp đồng, hợp đồng giả tạo,…

Lưu ý, có những hợp đồng vô hiệu toàn bộ nhưng đối với một số điều khoản được các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng có vai trò độc lập với hợp đồng, thì khi hợp đồng vô hiệu toàn bộ các điều khoản đó cũng có thể được công nhận có hiệu lực nếu đủ các điều kiện luật định mà không lệ thuộc vào hiệu lực của toàn bộ hợp đồng.

(2) Hợp đồng vô hiệu từng phần

Là những hợp đồng được xác lập mà có một phần nội dung của nó không có giá trị pháp lý nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần khác của hợp đồng đó.

Đối với một hợp đồng vô hiệu từng phần, ngoài phần vô hiệu không được áp dụng, các phần còn lại vẫn có giá trị thi hành, nên các bên vẫn phải tiếp tục thi hành trong phạm vi phầm hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Bộ luật dân sự Việt Nam hiện hành không có điều khoản riêng điều chỉnh hợp đồng vô hiệu mà vấn đề này sẽ được điều chỉnh chung với quy định về giao dịch dân sự vô hiệu. Theo đó, hợp đồng không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 thì vô hiệu (trừ trường hợp có quy định khác).

Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng, bao gồm:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

      a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

     b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

     c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Các trường hợp hợp đồng bị vô hiệu

Trên cơ sở nguyên tắc chung này, Bộ luật dân sự 2015 quy định 08 trường hợp hợp đồng vô hiệu như sau:

(1) Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Hợp đồng dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

(2) Hợp đồng vô hiệu do giả tạo

– Khi các bên xác lập hợp đồng dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một hợp đồng dân sự khác thì hợp đồng dân sự giả tạo vô hiệu, còn hợp đồng dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc luật khác có liên quan.

– Trường hợp xác lập hợp đồng dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì hợp đồng dân sự đó vô hiệu.

(3) Hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

– Khi hợp đồng dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

– Hợp đồng dân sự của những người trên không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:

+ Hợp đồng dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

+ Hợp đồng dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

+ Hợp đồng dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

(4) Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn

– Trường hợp hợp đồng dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

– Hợp đồng dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập hợp đồng dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập hợp đồng dân sự vẫn đạt được.

(5) Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

– Khi một bên tham gia hợp đồng dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng dân sự đó là vô hiệu.

– Lừa dối trong hợp đồng dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

– Đe dọa, cưỡng ép trong hợp đồng dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện hợp đồng dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

(6) Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập hợp đồng vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng dân sự đó là vô hiệu.

(7) Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Hợp đồng dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

– Hợp đồng dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

– Hợp đồng dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

(8) Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được

– Trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu.

– Trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.

– Quy định trên cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị vô hiệu

Khi một hợp đồng bị tuyên vô hiệu, nghĩa rằng được xác định là không tồn tại trên thực tế thì các bên cần khôi phục lại tình trạng ban đầu như trước khi giao kết.

Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 quy định các hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, cụ thể cần hiểu rõ:

Về giá trị pháp lý

– Hợp đồng vô hiệu sẽ không làm phát sinh hay thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia kể từ thời điểm giao kết hợp đồng

– Hợp đồng không có giá trị pháp lý từ thời điểm giao kết, dù cho các bên có thực hiện hay chưa.

Về mặt lợi ích

Khi giao kết hợp đồng nhưng bị tuyên bố vô hiệu, các bên liên quan sẽ phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại những thứ đã nhận theo thỏa thuận hợp đồng. Trong trường hợp không thể hoàn trả lại thì cần quy thành tiền, trừ những trường hợp có thỏa thuận khác.

Về xử lý khoản lợi thu được

Với các khoản lợi mà các bên thu được từ hợp đồng vô hiệu thì sẽ cần hoàn trả lại. Chủ sở hữu sẽ được nhận lại lợi ích nếu thuộc quyền sở hữu hợp pháp, trừ trường có quy định khác.

Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình

Đôi khi hợp đồng vô hiệu có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người thứ 3. Tùy vào quyền bị vi phạm mà bên có lợi ích hợp pháp có thể yên cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích của mình.

– Trường hợp hợp đồng vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản, không phải đăng ký quyền sở hữu, đã được chuyển giao cho bên thứ 3 ngay tình thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực.

– Trường hợp có tài sản giao dịch là bất động sản/ tài sản phải đăng ký nhưng chưa đăng ký quyền ở hữu mà đã chuyển giao cho bên thứ 3 ngay tình thì giao dịch này sẽ là vô hiệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu là bao lâu?

Căn cứ quy định tại Điều 132 Bộ luật dân sự 2015, thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu được  xác định như sau:

– Đối với hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội hoặc do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

– Đối với các trường hợp còn lại, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu này là 02 năm, kể từ ngày:

+ Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

+ Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

+ Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

+ Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

+ Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

Hết thời hiệu quy định như trên mà không có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì hợp đồng có hiệu lực.

Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, Kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/ Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023