Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Tố giác tội phạm là nghĩa vụ của công dân trong công cuộc phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự xã hội, giúp sức cùng cơ quan có thẩm quyền trong công tác ngăn ngừa đấu tranh, phòng chống tội phạm.
“Không tố giác tội phạm” là gì?
Trong quy định của Bộ luật Hình sự, bên cạnh việc quy định việc xử lý hình sự đối với những tội phạm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác, xâm phạm các quan hệ xã hội, trật tự xã hội, còn có quy định cụ thể về việc xử lý đối với những đối tượng không trực tiếp thực hiện hành vi xâm hại các quan hệ nêu trên nhưng cố ý để mặc hành vi phạm tội xảy ra, không ngăn cản hay phối hợp trong việc phòng chống tội phạm thông qua quy định về tội không tố giác tội phạm.
Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“Điều 19. Không tố giác tội phạm
Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”
Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Từ quy định trên có thể thấy, hành vi không tố giác tội phạm có những đặc điểm sau:
– Hành vi không tố giác tội phạm luôn được thực hiện dưới hình thức “không hành động phạm tội”.
Hành vi không tố giác tội phạm có thể xảy ra ở giai đoạn tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện (đã kết thúc).
– Lỗi của người có hành vi không tố giác tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Cũng như hành vi che giấu tội phạm, hành vi không tố giác tội phạm tuy có liên quan đến tội phạm nhưng không phải là hành vi đồng phạm bởi người không tố giác không “cố ý cùng thực hiện tội phạm” với người mà người đó không tố giác.
Hành vi không tố giác tội phạm thể hiện ở thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của công dân là đấu tranh phòng chống tội phạm do luật quy định, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, không ngăn chặn kịp thời các hậu quả nguy hiểm cho xã hội do người phạm tội gây ra.
Ghi nhận mối quan hệ tình cảm đặc biệt giữa những người thân thiết trong gia đình vốn là một trong những nét đặc trưng của truyền thống văn hóa dân tộc, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người không tố giác tội phạm là ông, bà,cha, mẹ, con, cháu,anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm , trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, thực tiễn cho thấy, trong khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, người bào chữa biết rõ người mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện tội phạm nhưng vì lợi ích của người được bào chữa, người bào chữa đã không tố giác tội phạm này. Buộc người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm do người mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện vừa không thực tế vừa buộc người bào chữa phải vi phạm nghĩa vụ của người bào chữa đối với thân chủ của mình. Do vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung quy định người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại chương XIII Bộ luật Hình sự hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Tội “không tố giác tội phạm” bị xử lý như thế nào?
Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội không tố giác tội phạm như sau:
“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.
Dấu hiệu cấu thành
– Mặt khách quan: Có hành vi (không hành động) không báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc một tội phạm đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã được thực hiện xong mà mình biết rõ.
– Tội phạm đang chuẩn bị: Là trường hợp người phạm tội đang tiến hành tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm.
– Tội phạm đang thực hiện: Là trường hợp người phạm tội đang thực hiện các hành vi phạm tội mà chưa hoàn thành tội phạm đó (tức tội phạm đã hoàn thành).
– Tội phạm đã được thực hiện: Là trường hợp người phạm tội đã thực hiện xong những hành vi cấu thành của một tội phạm cụ thể.
– Khách thể: Hành vi không tố giác tội phạm xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và người phạm tội.
– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này vớilỗi cố ý trực tiếp.
– Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Những đối tượng sau đây không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Tuy nhiên họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nếu người phạm tội đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng như nêu ở trên.
Hình phạt áp dụng
Người phạm tội không tố giác tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Được áp dụng trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan.
Người không tố giác tội phạm nếu đã có hành vi can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, Kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/ Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.