Shipper bị lừa giao ma tuý, xử lý thế nào?

Dịch vụ giao hàng đang ngày càng trở nên phổ biến bởi sự nhanh chóng và tiện lợi, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người giao hàng (shipper). Trong trường hợp shipper bị lừa giao ma tuý thì xử lý như thế nào? Có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Hỏi:

Thưa luật sư, Công việc của tôi là grab giao hàng. Trong thời gian gần đây tôi có nhận được đơn hàng từ Trần Vỹ về Tây Hồ- Hà Nội. Tôi đến địa chỉ nhận hàng thì được một người phụ nữ đưa cho một gói hàng bọc kín và bên trong tôi không biết hàng gì, vì bình thường đi giao hàng tôi thường không để ý loại hàng hóa của khách, sau khi lấy hàng chị nhắn tôi địa chỉ và dặn mang đến địa chỉ Tây Hồ có người đang đợi nhận hàng. Khi đi qua ngã tư Xuân Thủy tôi bị đồng chí công an giao thông yêu cầu dừng lại kiểm hành chính, cùng lúc đó đồng chí yêu cầu tôi kiểm tra gói hàng. Tôi có trình bày tôi chỉ là grab giao hàng theo địa chỉ nên không biết hàng hóa gì. Sau khi kiểm tra các đồng chí phát hiện trong gói hàng đó có chứa một dạng chất bột màu trắng nghi là ma túy và yêu cầu tôi thực hiện phối hợp điều tra. Hiện tại, tôi rất lo lắng, Luật sư cho biết trong trường hợp này tôi có là đối tượng phạm tội vận chuyển chất ma túy không? Tôi phải làm như thế nào.

Đáp:

Cảm ơn Quý Anh/ chị đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hợp danh H3T, đối với vấn đề này, Luật sư tư vấn như sau:

Điều 250 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định tội vận chuyển trái phép chất ma túy như sau:

“1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”

Mặt khác, theo quy định tại Điểm 3.2 Điều 3 Mục II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác.

Cấu thành tội phạm tội vận chuyển trái phép chất ma tuý

Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vận chuyển chất ma túy khi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:

– Khách thể của tội phạm: xâm phạm quan hệ quản lý của nhà nước đối với chất ma túy.

– Mặt khách quan: người phạm tội có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, tức người phạm tội thực hiện hành vi dịch chuyển bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho các túi áo, túi quần, nuốt trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác. Hậu quả là đã vận chuyển được chất ma túy, tùy từng khối lượng ma túy được vận chuyển, khung hình phạt sẽ tương ứng với khối lượng chất ma túy đã được vận chuyển.

– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi vận chuyện chất ma túy với lỗi cố ý.

– Chủ thể: người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy là người từ đủ 16 tuổi trở lên đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Như vậy, về mặt chủ quan lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy là lỗi cố ý.

Theo Điều 10 Bộ luật hinhg sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Cố ý phạm tội là phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây:

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Bên cạnh đó, Điều 530 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Hợp đồng vận chuyển tài sản như  sau:

“Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.”

Đồng thời, hình thức hợp đồng được giao kết bằng văn bản, lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

Người giao hàng bị lừa giao ma tuý không phải chịu TNHS.

Trường hợp của bạn chỉ thực hiện việc giao hàng được giao kết bằng lời nói, không biết khách hàng của bạn đóng gói ma túy bên trong hay vận chuyển ma túy, do đó, bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy vì không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu bạn vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác và biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về trường hợp shipper bị lừa giao ma tuý. Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, Kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/ Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023