Phá sản doanh nghiệp là gì? Thủ tục như thế nào?

Hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính, không đủ ngân sách để chi trả lương cho người lao động, cũng như thanh toán các khoản nợ đến hạn và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp đã tiến hành thủ tục phá sản để bảo vệ quyền và lợi ích của chủ thể liên quan. Với mục đích hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, sau đây Công ty Luật Hợp danh H3T xin gửi đến Quý bạn đọc điều kiện và trình tự giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp tại Việt Nam.

Phá sản là gì?

Theo pháp luật hiện hành, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp được xác định là việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán (Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014).

Tuyên bố phá sản là phán quyết của toà án có thẩm quyền về việc xoá bỏ một doanh nghiệp bị thua lỗ đến mức không thể thanh toán được các khoản nợ đến hạn mặc dù đã sử dụng các biện pháp cần thiết mà vẫn không thể khắc phục được và từ đó đưa ra các biện pháp xử lý tài sản thích hợp.

Điều kiện nào để doanh nghiệp được công nhận là phá sản?

Để được công nhận là phá sản, doanh nghiệp cần đáp ứng đồng thời hai điều kiện sau:

– Mất khả năng thanh toán: không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Bao gồm hai trường hợp: không có tài sản để thanh toán các khoản nợ hoặc có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

– Bị Toà án ra phán quyết tuyên bố phá sản.

Ai có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Theo Điều 5 Luật phá sản 2014, các chủ thể sau đây có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp:

– Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần.

– Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

– Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng; Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết phá sản?

Căn cứ Điều 8 Luật phá sản 2014, Toà án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp, cụ thể:

– Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó.

– Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;

+ Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

+ Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

+ Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.

Thủ tục phá sản được tiến hành như thế nào?

Thủ tục phá sản doanh nghiệp quy định trong Luật Phá sản 2014 diễn ra gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Chỉ những người có quyền và nghĩa vụ liên quan mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Bước 2: Tòa án nhận đơn

Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án xem xét đơn, nếu đơn hợp lệ sẽ thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản.

Nếu đơn chưa hợp lệ thì yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn.

Nếu người nộp đơn không có quyền nộp đơn, hoặc từ chối sửa đơn… thì Tòa án trả lại đơn

Bước 3: Tòa án thụ lý đơn

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.

Sau đó, Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn).

Bước 4: Mở thủ tục phá sản

Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản Tòa án phải gửi thông báo đến những người liên quan.

Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản như tuyên bố giao dịch vô hiệu; tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng…

Đặc biệt sẽ kiểm kê lại tài sản, lập danh sách chủ nợ; lập danh sách người mắc nợ…

Bước 5: Hội nghị chủ nợ

Triệu tập Hội nghị chủ nợ:

– Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất: hội nghị chủ nợ được coi là tiến hành hợp lệ nếu có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Nếu không đáp ứng sẽ bị hoãn và phải mở hội nghị lần hai.

– Hội nghị chủ nợ lần thứ hai: hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra một trong các kết luận sau:

+ Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;

+ Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh;

+ Đề nghị tuyên bố phá sản.

Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

– Thanh lý tài sản phá sản;

– Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.

Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự như sau:

– Chi phí phá sản;

– Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

– Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

– Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản như trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về: Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần; Thành viên của Công ty hợp danh.

Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Chi phí giải quyết phá sản là bao nhiêu?

Chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Mức thù lao được xác định dựa vào thỏa thuận hoặc tính theo tỷ lệ trên tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý.

Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định hiện hành là 1,5 triệu đồng (Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14).

Những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, không phải chịu lệ phí Tòa án:

– Người lao động, công đoàn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn thanh toán.

– Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023