Thời hạn thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là một dạng của giao dịch dân sự, được tồn tại dưới 03 dạng: văn bản, lời nói và văn bản điện tử – phù hợp với quy định của pháp luật trong Bộ luật dân sự năm 2015. Nội dung của hợp đồng lao động ghi nhận đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của các bên trong một giao kết lao động, bao gồm những nội dung cơ bản như sau: thông tin đầy đủ của các bên, nội dung công việc, tiền công, thời gian làm việc, địa điểm làm việc, yêu cầu và mong muốn của các bên…

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động luôn luôn gây ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của các bên tham gia, vì vậy Bộ luật lao động năm 2019 đã có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Việc này sẽ đảm bảo cho các bên có đầy đủ thời gian để xem xét lại các quyết định của bản thân hoặc chuẩn bị các kế hoạch cần thiết nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại có thể xảy ra.

1. Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.

Riêng điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, đối với một số ngành nghề đặc biệt được chính phủ ghi nhận, ví dụ như Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý vốn nhà nước, thành viên tổ lái tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không,.. thì thời gian bắt buộc người sử dụng lao động phải báo trước được quy định như sau:

Điều 7. Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù

Ngành, nghề, công việc đặc thù và thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 và điểm d khoản 2 Điều 36 của Bộ luật Lao động như sau:

1. Ngành, nghề, công việc đặc thù gồm:

a) Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay;

b) Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

c) Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài;

d) Trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Khi người lao động làm ngành, nghề, công việc quy định tại khoản 1 Điều này đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người lao động này thì thời hạn báo trước như sau:

a) Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;

b) Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Cũng tương tự ở phần 1, điểm d khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động cũng được nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp được điều chỉnh tại Điều 7 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023