Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?

Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý mà nhà nước áp dụng với người phạm tội. Hậu quả này chỉ phát sinh khi có người thực hiện hành vi phạm tội, được tiến hành theo một trình tự đặc biệt (trình tự tố tụng hình sự) và mang tính chất nghiêm khắc nhất được áp dụng với người phạm tội thông qua hình phạt.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

“Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”.

Như vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đó. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cách xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính bắt đầu từ ngày tội phạm được thực hiện và được xác định dựa trên căn cứ là mức độ nghiêm trọng của tội phạm, cụ thể như sau:

– Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Ví dụ: Tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS; Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng quy định tại khoản 1 Điều 233 BLHS; Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 182 BLHS…

– Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù. (Ví dụ: Tội cố ý truyền HIV cho người khác quy định tại khoản 1 Điều 149 BLHS; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 1 Điều 169 BLHS; Tội buôn lậu quy định tại khoản 2 Điều 188 BLHS…)

– Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù. (Ví dụ: Tội giết người quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS; Tội cướp tài sản quy định tại khoản 2 Điều 168 BLHS, Tội hiếp dâm quy định tại khoản 2 Điều 141 BLHS…)

– Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. (Ví dụ: Tội giết người tại khoản 1 Điều 123 BLHS; Tội cướp tài sản quy định tại khoản 4 Điều 168 BLHS; Tội hiếp dâm quy định tại khoản 3 Điều 141 BLHS…)

Nếu thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đã qua mà cơ quan bảo vệ pháp luật vì lí do nào đó không phát  hiện được hoặc được phát hiện nhưng bỏ qua không điều tra, truy tố, xét xử thì người phạm tội sẽ không bị truy cứu TNHS về tội mà họ đã thực hiện.

Tuy nhiên, các thời hạn trên sẽ kéo dài thêm trong các trường hợp sau:

– Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

– Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Do tính chất đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, Điều 28 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định các tội sau đây không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:

– Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;

– Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;

– Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.

Việc quy định thời hiệu truy cứu TNHS là hết sức cần thiết. Quy định này khuyến khích người đã thực hiện tội phạm muốn được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước thì phải thật sự hối cải, đồng thời khẳng định nghĩa vụ của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng mọi hành vi phạm tội.

Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023