Thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Khái niệm

Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức cá nhân phải nộp cho Nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Cùng với sự phát triển của Nhà nước, thuế cũng dần phát triển thành hệ thống hoàn chỉnh. Là một bộ phận của hệ thống thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp là khoản thu quan trọng kết cấu thu Ngân sách nhà nước. Ngoài ra, đây còn là một loại thuế trực thu đánh vào thu nhập của các cá nhân, tổ chức kinh doanh có thu nhập phát sinh từng lần hoặc trong một khoảng thời gian xác định từ một số nguồn nhất định.

Bà Nguyễn Thu Giang  – Chuyên viên pháp lý Công ty Luật Hợp danh H3T

2. Đặc trưng của thuế thu nhập doanh nghiệp

– Đối tượng nộp thuế: Căn cứ vào quy định của pháp luật thì chủ thể trở thành đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phải thỏa mãn 03 điều kiện sau:

(1) Là tổ chức gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh.

(2) Thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Đây là điều kiện bắt buộc, nhất là đối với các tổ chức khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã.

(3) Có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đó.

Xét về bản chất, các điều kiện trên là cơ sở để xác lập nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế khi có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc một chủ thể hội tụ đủ hai điều kiện (1) và (2) là cơ sở xác lập tư cách đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chịu sự quản lý của thuế thu nhập bởi cơ quan quản lý thuế. Khi đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạo lập được thu nhập, thì đây sẽ là cơ sở để xác lập nghĩa vụ nộp thuế.

Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có thể chia thành 05 nhóm:

Nhóm 1: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam.

Nhóm 2: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến cơ sở thường trú đó; trường hợp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, doanh nghiệp nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

Nhóm 3: Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.

Nhóm 4: Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nhóm 5: Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp căn cứ vào yếu tố quốc tịch của tổ chức có thu nhập và lãnh thổ nơi phát sinh thu nhập làm cơ sở xác định nghĩa vụ nộp thuế của chủ thể có thu nhập. Theo đó, trường hợp chủ thể có quốc tịch Việt Nam thì trở thành đối tượng nộp thuế cho cả phần thu nhập chịu thuế phát sinh ở Việt Nam và ở nước ngoài. Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú được thành lập theo pháp luật Việt Nam thì trở thành đối tượng nộp thuế cho thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến cơ sở thường trú. Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì chỉ phải nộp thuế cho phần thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Cơ sở này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và trong nhiều trường hợp không phải là một tổ chức có tư cách pháp nhân, ví dụ như: chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, hầm mỏ, dầu khí hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam; địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp,… (điểm d khoản 1 Điều 2 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp).

Lưu ý, đối với Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp về Việt Nam thì đối với các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định. Đối với các nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp chuyển về có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam ký kết có quy định khác về cơ sở thường trú thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.

– Đối tượng chịu thuế: Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản thu nhập của các tổ chức kinh doanh và các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức phi kinh doanh đều là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và phải tiến hành kê khai, đưa vào sổ sách kế toán nhằm đảm bảo nguyên tắc tập trung trong công việc thực hiện nghĩa vụ về thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, các khoản thu nhập chịu thuế theo luật định đều là đối tượng chịu thuế nhưng có thể được miễn thuế. Về nguyên tắc, thu nhập miễn thuế vẫn là đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế vẫn phải đăng ký, kê khai và thực hiện các nghĩa vụ về thuế khác có liên quan.

+ Thu nhập chịu thuế: là những khoản thu nhập của các tổ chức kinh doanh và các khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh của các tổ chức khác.

Thu nhập của các tổ chức kinh doanh bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác phát sinh trong quá trình tổ chức kinh doanh tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Thu nhập từ hoạt động của các tổ chức khác là những khoản thu nhập có được khi các chủ thể này thực hiện hoạt động kinh doanh. Thu nhập của chủ thể kinh doanh và thu nhập từ hoạt động kinh doanh của các tổ chức khác chỉ có thể là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi đó là thu nhập hợp pháp của các chủ thể được phép tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối tượng nộp thuế được tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm (không bị cấm kinh doanh), hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện (kinh doanh khi chưa có giấy phép kinh doanh). Do đó, trường hợp thu nhập doanh nghiệp đã được hình thành từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng đối tượng nộp thuế chưa hoặc không đăng ký kinh doanh hay chưa đăng ký thuế thì thu nhập phát sinh trong khoảng thời gian diễn ra hoạt động kinh doanh vẫn được xem là thu nhập chịu thuế, trừ trường hợp hoạt động kinh doanh vẫn được xem là thu nhập chịu thuế, trừ trường hợp hoạt động kinh doanh đó bị cấm hoặc hạn chế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đăng ký thuế không phải là yếu tố loại trừ nghĩa vụ nộp thuế của chủ thể có thu nhập.

Ngoài thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, các chủ thể tiến hành sản xuất, kinh doanh có thể có những khoản thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau như: thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản;… (khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 01/VBHN-VPQH ngày 30/01/2023). Những thu nhập này không mang tính thường xuyên, không xuất phát từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp nhưng được hình thành từ quá trình doanh nghiệp tìm kiếm nguồn thu. Đây là những thu nhập được phát sinh khi doanh nghiệp tồn tại, hoạt động gắn với chủ sở hữu thu nhập là doanh nghiệp hoặc tổ chức nên phải thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Một hoặc một số hoạt động tạo ra nguồn thu nhập khác này là nguồn thu nhập chính của người nộp thuế do nằm trong nhóm chức năng kinh doanh của người nộp thuế như thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, thu nhập từ đầu tư chứng khoán của công ty chứng khoán thì được coi là thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

+ Thu nhập miễn thuế: về mặt pháp lý, chủ thể có các khoản thu nhập miễn thuế vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và thể hiện trong các chứng từ, sổ sách kế toán. Thu nhập được miễn thuế tập trung vào các lĩnh vực như: Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp; Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội; Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục;… (Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 01/VBHN-VPQH ngày 30/01/2023). So với quy định về đối tượng không chịu thuế, thì quy định thu nhập miễn thuế vẫn đảm bảo yêu cầu tạo sự ưu đãi, hỗ trợ cần thiết cho ngành nghề đặc thù, những khoản thu nhập mang tính tương trợ, hay là phần thu nhập sau khi đã được điều tiết thuế tương ứng. Điều này bảo đảm điều tiết một cách hợp lý thu nhập của đối tượng nộp thuế. Nhưng mặt khác, việc đưa vào diện chịu thuế nhưng được miễn thuế còn đảm bảo quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp một cách có hệ thống, vừa thuận lợi trong việc giám sát thu nhập được hình thành trong quan hệ bị điều tiết thuế. Thu nhập dù được miễn thuế vẫn phải thực hiện kê khai để thể hiện thu nhập chịu thuế.

– Căn cứ tính thuế: căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp là những số liệu cơ bản để xác định số thuế phải nộp. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có đưa ra hai căn cứ tính thuế là thuế suất và thu nhập tính thuế.

Các mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp hiện hành được áp dụng căn cứ vào lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn hoạt động. Theo Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 01/VBHN-VPQH ngày 30/01/2023, mức thuế suất từ 25% đến 50% được áp dụng đối với hoạt động dầu khí; từ 32% đến 50% đối với các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam phù hợp với từng dự án, cơ sở kinh doanh. Còn lại các doanh nghiệp khác được áp dụng mức thuế suất chung là 22% và được giảm xuống còn 20% kể từ ngày 01/01/2016. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Ngoài ra, doanh nghiệp, tổ chức khác có thể được hưởng mức ưu đãi về thuế suất tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực kinh doanh, quy mô hoạt động của từng dự án theo quy định tại Điều 13 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thu nhập tính thuế là căn cứ quan trọng để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, thu nhập tính thuế được xác định trong từng kỳ tính thuế. Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế   – Thu nhập được miễn thuế    – Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định

Kỳ tính thuế thu nhập là khoảng thời gian mà thu nhập được xác định. Trong thời gian ấy, các khoản lợi ích được hình thành tương ứng với các mốc của kỳ ngân sách nhà nước. Sự hình thành thu nhập trong khoảng thời gian này làm phát sinh nghĩa vụ của đối tượng nộp thuế trong kỳ tính thuế tương ứng. Kỳ tính thuế thường được tính theo năm tài chính hoặc năm dương lịch. Doanh nghiệp cũng có thể tự xác lập kỳ tính thuế riêng theo năm dương lịch hoặc năm tài chính phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị mình nhưng phải đăng ký trước với cơ quan thuế. Trong một số trường hợp đặc biệt, thời gian hiện hữu tư cách pháp lý là người nộp thuế không ổn định, thì kỳ tính thuế thu nhập được xác định theo từng lần phát sinh thu nhập; như trường hợp doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh mà có lỗ thì được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo phát sinh lỗ.

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu để tính thu nhập    – Chi phí được trừ          + Các khoản thu nhập khác

Doanh thu để tính thu nhập là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ, trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng hợp pháp. Trường hợp có doanh thu bằng ngoại tệ phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu bằng ngoại tệ.

Chi phí được trừ là những khoản chi hợp lý phục vụ cho việc tạo lập thu nhập, là những chi phí cần thiết trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí mua các sản phẩm cần thiết cho quá trình sản xuất,…

Các khoản thu nhập chịu thuế khác là những khoản thu nhập có được từ quá trình tồn tại và tiến hành những hoạt động liên quan của doanh nghiệp nên không mang tính thường xuyên. Thu nhập chịu thuế trong trường hợp này phải là thu nhập ròng sau khi đã trừ những chi phí liên quan đến quá trình tạo lập các khoản thu đó.

– Đăng ký, kê khai, nộp thuế:

Về đăng ký thuế, doanh nghiệp phải đăng ký tại cơ quan thuế nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong vòng 10 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh.

Về kê khai thuế, các quy định của pháp luật về kê khai thuế chỉ ra nguyên tắc, trình tự thủ tục, thời gian, địa điểm,… để doanh nghiệp thực hiện việc kê khai và tính thuế được cụ thể, rõ ràng và chính xác.

Về nộp thuế, doanh nghiệp sau khi đã đăng ký, kê khai và tính thuế một cách hợp lý sẽ chuyển sang giai đoạn nộp thuế. Doanh nghiệp có thể nộp thuế tại một số địa điểm như Kho bạc nhà nước, cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ.

Trên đây là bài viết giải đáp các quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp của tác giả Nguyễn Thu Giang – Chuyên viên pháp lý Công ty Luật Hợp danh H3T. Hy vọng bài viết sẽ là nguồn tham khảo hữu ích, giúp Quý khách hàng, Quý độc giả có những cái nhìn cơ bản về thuế thu nhập doanh nghiệp trong quá trình tiến hành các hoạt động kinh doanh. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ chi tiết, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Hợp danh H3T để được tư vấn chính xác và kịp thời.

Chuyên viên pháp lý – Nguyễn Thu Giang

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023