Xử lý trường hợp đất bị lấn chiếm

Hỏi:

Tôi vừa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng mảnh đất 210m2 cho bên mua, chiều ngang thửa đất là 6m, chiều dài là 35m. Bên mua yêu cầu tôi yêu cầu địa chính xuống đo toạ độ cắm cọc mảnh đất theo bản đồ diện tích được công nhận trên sổ đỏ. Nhưng kết quả là mảnh đất của tôi đã bị nhà kế bên xây lấn 12cm nên hiện tại mảnh đất của tôi không còn đủ chiều ngang 6m như trên sổ đỏ nữa. Tôi phải làm thế nào để đòi lại phần đất bị xây chiếm để có đủ 6m ngang giao đất cho bên mua? Tôi xin cảm ơn!

Đáp:

Cảm ơn Quý anh/chị đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hợp danh H3T, đối với vấn đề này, Luật sư tư vấn như sau:

Tại Điều 166 Luật Đất đai năm 2013 về Quyền chung của người sử dụng đất như sau:

“2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.”

Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm

“1. Lấn chiếm, hủy hoại đất đai.”

Vậy hành vi lấn chiếm đất của gia đình trên đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp về đất đai của gia đình bạn. Trước tiên, gia đình bạn có thể thỏa thuận với hàng xóm về phần đất lấn chiếm này. Nếu các bên không tự hoà giải được theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, trường hợp “Tranh chấp đất đai mà các bên không tự hòa giải được thì gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tới Ủy ban nhân dân xã để được hòa giải”.

Chủ tịch UBND xã sẽ tổ chức hòa giải tranh chấp giữa các bên. Việc hòa giải thành hay hòa giải không thành đều phải được lập thành văn bản và có chữ ký của các bên.Trường hợp chủ tịch UBND xã hòa giải không thành, bạn tiến hành gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện để được giải quyết. Căn cứ theo khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:

– Đơn khởi kiện theo mẫu.

– Biên bản hòa giải không thành có chứng nhận của UBND xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.

– Giấy tờ của người khởi kiện: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, ai khởi kiện vấn đề gì phải có tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện đó.

* Nộp đơn khởi kiện

– Nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp.

– Hình thức nộp đơn: Người khởi kiện nộp đơn bằng một trong các hình thức sau:

+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;

+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Như vậy, để đòi lại quyền sử dụng đất bị lấn, chiếm của mình, bạn cần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo trình tự như trên.

Quý bạn đọc lưu ý, những nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm tình huống xảy ra. Để nắm bắt rõ hơn về phương án giải quyết, Kính đề nghị Quý bạn đọc liên hệ trực tiếp đội ngũ Luật sư/ Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Hợp danh H3T.

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023