Nhiều người vẫn tin rằng, nếu chỉ đánh bạc với số tiền nhỏ, chẳng hạn 500.000 đồng, thì không đủ nghiêm trọng để bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn đúng với quy định pháp luật hiện hành. Trên thực tế, dù số tiền không lớn, hành vi đánh bạc vẫn có thể bị xử phạt và trong một số trường hợp, người vi phạm vẫn có nguy cơ đối mặt với trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định chi tiết về Tội đánh bạc tại Điều 321 như sau:
“Điều 321. Tội đánh bạc
1.[326] Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Như vậy, nhiều người tự hiểu rằng chỉ sử dụng dưới 5 triệu đồng để đánh bạc thì không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà cùng lắm chỉ phải chịu xử phạt hành chính,
Tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều trường hợp bắt quả tang trong một sới bạc có tổ chức, với nhiều người cùng tham gia và tổng số tiền trong sới vượt ngưỡng truy cứu hình sự, người đánh bạc dù chỉ dùng 500.000 đồng cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, “tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” không chỉ bao gồm số tiền hoặc hiện vật thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc, mà còn mở rộng ra các khoản tiền hoặc hiện vật tìm thấy trong người các con bạc nếu có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được sử dụng để đánh bạc. Đồng thời, những khoản tiền hoặc hiện vật được thu giữ tại các địa điểm khác, chẳng hạn như trong nhà, trong tài khoản ngân hàng, cũng có thể được xem là phương tiện đánh bạc nếu cơ quan chức năng chứng minh được chúng có liên quan đến hành vi phạm tội.
Do đó, việc xác định chính xác phạm vi của “tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc” là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay chỉ xử phạt hành chính đối với người vi phạm.
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH H3T
Trọng chữ tâm – Giữ chữ tín – Trao trí tuệ