Xác định lỗi trong vụ án tai nạn giao thông

Lỗi là một trong những nội dung cần làm rõ trong quá trình điều tra, xác minh tình tiết của vụ tai nạn giao thông (TNGT).

Trong phạm vi bài viết này, tác giả Đặng Thu Uyên sẽ đưa ra một số quan điểm liên quan tới việc xác định lỗi trong vụ án TNGT.

1. Lỗi trong vụ án TNGT

Đối với người phạm tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ: mặc dù người đó có khả năng tuân thủ các quy định tham gia giao thông đường bộ nhưng lại chủ động vi phạm các quy định này và gây mất an toàn dẫn đến TNGT.

Tuy nhiên, hậu quả của hành vi (TNGT) mang tính rủi ro; nằm ngoài ý chí chủ quan, nằm ngoài mong muốn của người phạm tội, bị hại và chính những người xung quanh. Các yếu tố thời gian, địa điểm, điều kiện xảy ra tai nạn,… hoàn toàn ngẫu nhiên, không thể dự tính từ trước.

Vì vậy người phạm tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ chỉ có thể phạm tội do lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả). Trong đó:

+ Lỗi vô ý do quá tự tin thể hiện: Người phạm tội đã vi phạm các quy định an toàn giao thông đường bộ và có thể thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên người phạm tội tự tin vào: kỹ năng điều khiển phương tiện của bản thân và người tham gia giao thông khác, các biển báo hiệu, tình hình giao thông thực tế,… dẫn đến việc nhận định thiếu cơ sở, cho rằng hậu quả nguy hiểm sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

+ Lỗi vô ý do cẩu thả thể hiện: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước. Người phạm tội nhận thức được bản thân đã vi phạm các quy định an toàn giao thông đường bộ nhưng không nhận thức được hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra.

Trường hợp TNGT xảy ra do lỗi cố ý, hậu quả xảy ra là mục đích của người điều khiển phương tiện hướng tới thì tùy vào tình huống cụ thể mà người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm về các tội phạm khác như: cố ý gây thương tích, giết người, cố ý hủy hoại tài sản,…

Bà Đặng Thu Uyên – Chuyên viên pháp lý Công ty Luật Hợp danh H3T

2. Xác định lỗi trong một số tình huống TNGT

2.1. TNGT do vi phạm quy định an toàn giao thông

Về mặt hình thức, lỗi được biểu hiện thông qua năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trên cơ sở của sự nhận thức đó. Mặc dù có nhiều khả năng xử sự nhưng chủ thể đều đã lựa chọn và thực hiện xử sự có tính gây thiệt hại (hoặc đe dọa gây thiệt hại) cho xã hội.

Trong vụ án TNGT, người phạm tội có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và được phổ biến, đào tạo bài bản về các quy định về an toàn giao thông và có thể lựa chọn phương thức tham gia giao thông phù hợp. Vì vậy, trong trường hợp có lỗi, người phạm tội đã có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định tham gia giao thông đường bộ.

Ngoài ra, do tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ có cấu thành vật chất nên giữa hành vi và hậu quả xảy ra (TNGT) phải có mối quan hệ nhân quả. Việc vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT.

Do đó, khi xác định lỗi trong vụ án TNGT, cần phải đối chiếu hành vi của người vi phạm với các quy định của pháp luật về tham gia giao thông đường bộ. Đồng thời, cần đối chiếu trực tiếp hành vi với hậu quả của vụ tai nạn để đánh giá hành vi này có phải nguyên nhân gây ra TNGT hay không. Từ đó mới đưa ra kết luận ai là người có lỗi và mức độ lỗi của người đó là bao nhiêu.

2.2. TNGT do sự kiện bất ngờ

Sự kiện bất ngờ là trường hợp đã gây ra hậu quả thiệt hại cho xã hội nhưng người có hành vi đó lại không phải chịu TNHS vì họ không buộc phải thấy trước hoặc không thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình gây ra. Hay nói cách khác là họ không có lỗi. Do đó, cần loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội khi có sự kiện bất ngờ (Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Khi TNGT xảy ra do sự kiện bất ngờ thì đó không phải một vụ án TNGT, người gây tai nạn không bị truy cứu TNHS về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Ví dụ: B đang đi trên đường thì thấy một con chó đột ngột lao ra. Do bất ngờ B đã điều khiển xe lao vào đống rơm ở bên đường. Tuy nhiên, trước đó, A đã chơi trốn tìm với bạn và vô tình trốn ở trong đống rơm. Hậu quả A chết.

B không thể biết trước việc có người trốn trong đống rơm nên B không có lỗi gây ra tai nạn, không bị truy cứu TNHS về tội vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ.

3. Ý nghĩa của việc xác định lỗi

Việc xác định lỗi có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết các vụ TNGT bởi đây là căn cứ để Cơ quan điều tra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại và đánh giá chính xác hành vi, mức độ phạm tội để xác định hình phạt; Hội đồng xét xử sẽ tiến hành giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại khi giải quyết vụ án TNGT.

Căn cứ Điều 584, Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015, người gây thiệt hại (hoặc chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản gây thiệt hại) có trách nhiệm phải bồi thường tương ứng với thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Trên đây là những nội dung về xác định lỗi trong vụ án tai nạn giao thông. Hy vọng bài viết sẽ giúp Quý khách hàng, Quý độc giả có góc nhìn khách quan và toàn diện hơn khi nghiên cứu các vụ án tai nạn giao thông. Trường hợp có bất kỳ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ chi tiết, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Hợp danh H3T để được tư vấn kịp thời.

                                                     Chuyên viên pháp lý – Đặng Thu Uyên

10:05/-strong/-heart:>:o:-((:-h11:21 20/02/2023